Giáo án Địa phương - Chủ đề 2: Truyền thuyết về thời đại Hùng Vương

I.MỤC TIÊU

1. Kiến thức

+ Biết sơ lược về truyền thuyết thời đại Hùng Vương

2. Về năng lực

+ Đọc hiểu một truyền thuyết thời đại Hùng Vương.

+ Viết văn bản tự sự kể lại một truyền thuyết đã nghe, đã đọc;

+ Viết được đoạn văn nêu cảm nghĩ về một truyền thuyết đã học, đã đọc.

+ Kể lại một truyền thuyết sau khi đọc hoặc nghe kể;

+ Trình bày ý kiến của mình về một truyền thuyết; tranh luận với bạn về những điểm khác biệt;

+ Kết nối một vài điểm đặt ra trong các truyền thuyết đã học, đã đọc với cuộc sống hôm nay.

3. Phẩm chất: Tự hào về quê hương - nơi có lịch sử lâu đời và từng là thủ đô đất nước.

 

docx 8 trang phuongnguyen 29/07/2022 8040
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Địa phương - Chủ đề 2: Truyền thuyết về thời đại Hùng Vương", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Giáo án Địa phương - Chủ đề 2: Truyền thuyết về thời đại Hùng Vương

Giáo án Địa phương - Chủ đề 2: Truyền thuyết về thời đại Hùng Vương
Ngày soạn: 15/3/2022
CHỦ ĐỀ 2: TRUYỀN THUYẾT VỀ THỜI ĐẠI HÙNG VƯƠNG
 (Thời gian thực hiện: 5 tiết)
Lớp
Tiết
Ngày dạy
Sĩ số
6A
6
7
8
9
10
6B
6
7
8
9
10
I.MỤC TIÊU
1. Kiến thức
+ Biết sơ lược về truyền thuyết thời đại Hùng Vương
2. Về năng lực
+ Đọc hiểu một truyền thuyết thời đại Hùng Vương.
+ Viết văn bản tự sự kể lại một truyền thuyết đã nghe, đã đọc;
+ Viết được đoạn văn nêu cảm nghĩ về một truyền thuyết đã học, đã đọc.
+ Kể lại một truyền thuyết sau khi đọc hoặc nghe kể;
+ Trình bày ý kiến của mình về một truyền thuyết; tranh luận với bạn về những điểm khác biệt;
+ Kết nối một vài điểm đặt ra trong các truyền thuyết đã học, đã đọc với cuộc sống hôm nay.
3. Phẩm chất: Tự hào về quê hương - nơi có lịch sử lâu đời và từng là thủ đô đất nước.
II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU
1. Thiết bị: 
- Tranh ảnh về các nhân vật, bánh chưng, bánh giầy,
2. Học liệu
-Tài liệu giáo dục địa phương Phú Thọ.
III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC:
HOẠT ĐỘNG 1: MỞ ĐẦU
a. Mục tiêu:Tạo hứng thú cho HS, thu hút HS sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ học tập của mình. HS khắc sâu kiến thức nội dung bài học.
b. Nội dung: HS lắng nghe/ quan sát để chia sẻ kinh nghiệm của bản thân.
c. Sản phẩm: Những suy nghĩ, chia sẻ của HS.
d. Tổ chức thực hiện:
 Bước 1: Chuyền giao nhiệm vụ
Đọc bốn câu thơ của Vũ Quần Phương trong lời đề từ và trả lời các câu hỏi sau:
Nước bốn nghìn năm(1), nôi cổ sơ
Cỏ cây quen thuộc đến bây giờ
Nơi vua cày ruộng, quan trồng lúa
Công chúa làm nương và dệt tơ.
 (Vũ Quần Phương)
1.Nhà thơ đã hình dung như thế nào về thời Hùng Vương?
2.Theo em, nhà thơ dựa vào đâu mà hình dung như vậy?
Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ 
- HS hoạt động cá nhân trả lời.
Bước 3: Báo cáo thảo luận
- Học sinh trình bày câu trả lời.
- Giáo viên: Quan sát, theo dõi quá trình học sinh thực hiện, gợi ý nếu cần.
Bước 4: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
HOẠT ĐỘNG 2: HÌNH THÀNH KIẾN THỨC MỚI
1: Truyền thuyết và truyền thuyết thời đại Hùng Vương
a. Mục tiêu: Nhận biết biết được các điểm chung của truyền thuyết thời kì dựng nước Hùng Vương.
b. Nội dung: GV đặt câu hỏi, HS trả lời câu hỏi của GV.
c. Sản phẩm: Câu trả lời đúng của HS.
d. Tổ chức thực hiện
HĐ CỦA GV & HS
DỰ KIẾN SẢN PHẨM
* GV chuyển giao nhiệm vụ:
1.Dựa vào hiểu biết của bản thân và liên hệ với kiến thức đã học, em hãy cho biết thế nào là truền thuyết? 
2. Hãy cho biết đặc điểm chung của truyền thuyết thời đại Hùng Vương
*Thực hiện nhiệm vụ: nghiên cứu tài liệu trao đổi thảo luận
* Báo cáo thảo luận
Đại diện các nhóm trình bày
* Kết luận nhận định:
GV nhận xét, đánh giá kết quả học tập của HS
1.Truyền thuyết
Truyền thuyết là một thể loại truyện cổ dân gian gắn với các sự kiện và nhân vật lịch sử. Truyền thuyết được xây dựng bằng sự kết hợp các yếu tố kì ảo với các yếu tố hiện thực, nhằm giải thích các sự kiện, nhân vật lịch sử, địa danh hoặc các sản vật liên quan đến nhân vật và địa danh. Truyền thuyết có yếu tố lịch sử nhưng không phải là lịch sử.
2. Đặc điểm của truyền thuyết thời đại Hùng Vương.
Các truyền thuyết thời đại Hùng Vương kể về cuộc sống sản xuất, sinh hoạt khi dân ta bắt đầu chuyển từ đời sống săn bắn, hái lượm sang trồng trọt và chăn nuôi. Đó cũng là lúc dân ta biết chế tạo các món ăn, đồ mặc, thiết lập các phong tục,... Truyền thuyết thời Hùng Vương cũng kể những câu chuyện chống thiên tai và đánh giặc giữ nước gắn liền với công lao của các nhân vật anh hùng.
Nhân vật phổ biến trong các truyền thuyết trên là Vua Hùng (Hùng Vương) cùng các bộ tướng của nhà vua. Vua Hùng có tài trí hơn người, là người dạy dân trồng trọt, dùng lửa để làm chín thức ăn, đồng thời cũng là thủ lĩnh đánh giặc.
Các truyền thuyết về thời đại Hùng Vương là hình ảnh về buổi đầu dựng nước của dân tộc ta (thường gọi là thời kì Văn Lang – Âu Lạc). Các truyền thuyết này hầu hết có gốc từ thần thoại. So với thần thoại, truyền thuyết gần gũi với đời sống hơn. Sức mạnh của nhân vật anh hùng chủ yếu không dựa trên sự trợ giúp của thần linh mà trên tài năng của cá nhân kết hợp với sức mạnh tập thể của cả cộng đồng.
2. Đọc văn bản.
 HÙNG VƯƠNG CHỌN ĐẤT ĐÓNG ĐÔ
Vua Hùng đi nhiều nơi để tìm đất đóng đô cho nước Văn Lang(1).
Đi theo sông Thao, tới một vùng thấy trước mặt là sông lớn, sau lưng là núi cao, đầm nước mênh mông vây bọc những hòn đảo nhỏ(2). Vua đang xem ngắm, chợt có con rùa vàng hiện lên khỏi mặt nước, lưng như tấm phản, gật đầu chào vua, tự xưng là chúa đầm này. Vua
cưỡi lên lưng rùa, rùa đưa vua đi thăm đủ 99 ngách. Cây cối loà xoà, nước đen như mực, các loài thuỷ tộc vui mừng chào đón nhà vua. Vua khen cảnh đẹp nhưng cho rằng không có thế mở rộng để họp muôn dân, dựng cung điện nên lại bỏ đi.
Vua đi tới một miền phong cảnh đẹp đẽ, đất phẳng mà rộng, có nhiều khe suối(1). Vua cho là thế đất chưa đủ, bèn sai chim đại bàng đắp 100 quả gò, hẹn trước khi trời sáng phải xong. Chim đại bàng khuân đất đá đắp được 99 quả gò, chợt có con gà ngủ mơ gáy sáng, chim đại bàng ngỡ trời đã rạng liền vỗ cánh bay đi. Vua Hùng đi tìm đất khác.
Tới một nơi khác, vua thấy có một ngọn núi cao sừng sững như cái trụ chống trời vươn lên giữa hàng trăm quả đồi vây quanh. Vua thúc ngựa lên ngọn núi, dừng ngựa ngắm trông bốn phương tám hướng, thấy cảnh rộng hẹp thấp cao, rừng trải xa xa, khe ngòi quanh lượn, vua đẹp lòng vừa ý, mới dong ngựa từ từ xuống núi. Chợt con ngựa quay đầu, vó ngựa đạp mạnh, núi lở xuống, sạt mất một góc(2). Vua chê thế đất không vững, bèn bỏ đi.
Lại tới một toà núi thấp, dài đầu cao đuôi, nằm giữa một trăm quả đồi nhỏ như con giao long bơi lượn trên lớp lớp sóng dồn. Trên núi có đường lên trời, có hang xuống đất(3). Vua bước vào hang chợt gặp một con rắn trắng chắn đường. Vua cho là điềm không lợi, bèn bỏ đi.
Lần tới sông Đà, trước mắt hiện ra một cảnh sóng xô cuồn cuộn, núi Tản vươn mình, một dải ven sông cây xanh bát ngát, địa thế rất đẹp(4). Vua ưng chọn đây làm đất đóng đô, liền truyền cho chim phượng hoàng đào 100 cái hồ. Đào được 99 cái thì chợt có tiếng phượng trống kêu ở nơi xa. Con phượng mái vỗ cánh bay lên theo tiếng gọi của chim trống, cả đàn con bay theo. Vua thấy không đủ 100 cái hồ nên lại bỏ đi.
Vua đi mãi nơi này nơi khác mà chưa chọn được nơi nào có thể định đô. Một hôm, vua đi tới một vùng trước mặt là ba sông hội tụ, hai bên có Tản Viên, Tam Đảo chầu về, đồi núi gần xa, khe ngòi quanh quất, thế đất bày ra như hổ phục rồng chầu, như tướng quân bắn nỏ, như ngựa chạy phượng bay. Giữa những quả đồi xanh tốt, một ngọn núi đột ngột nổi lên như con voi mẹ nằm giữa đàn con.
Vua lên núi nhìn ra bốn phía thấy ba bề bãi rộng phù sa bồi đắp, bốn mặt cây xanh hoa tươi quả ngọt, vừa trùng điệp vừa quanh co, có rộng mà phẳng, có hẹp mà sâu. Vua cả mừng khen rằng đây là đất họp muôn dân, đủ hiểm để giữ, có thế để mở, thế đất vững bền, có thể dựng nước được muôn đời.
Vua Hùng đặt đô ở đó, gọi tên là thành Phong Châu(5).
Theo Dương Huy Thiện, Phú Thọ, miền đất cội nguồn, NXB Trẻ, Hà Nội, 2010)
1.Nay có lẽ là xã Thanh Vân, huyện Thanh Ba.
2.Nay có lẽ là núi Sứt, ở vào giữa ba huyện Thanh Ba, Đoan Hùng, Phù Ninh.
3.Nay có lẽ là núi Thắm, huyện Thanh Ba.
4.Nay có lẽ là xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thuỷ.
Thành Phong Châu được đoán định là một trong ba địa điểm ngày nay: phường Bạch Hạc, khu vực Đền Hùng (xã Hy Cương) và phường Thọ Sơn, tất cả đều thuộc Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Chú ý, thành Phong Châu trong câu chuyện này khác với Phong Châu (Châu Phong) đời nhà Đường cai trị, là một châu trong 12 châu của nước ta thời ấy, tương ứng với vùng đất ngày nay là các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Sơn Tây cũ.
B1: Chuyển giao nhiệm vụ
1.Vua Hùng đã tìm đến những vùng đất nào để chọn đất đóng đô? Lí do khiến nhà vua không chọn những nơi đó?
2.Vùng đất được Vua Hùng chọn đóng đô có địa thế và cảnh quan thiên nhiên như thế nào? Việc Vua Hùng quyết định chọn vùng đất ấy nói lên điều gì?
 3.Thống kê các chi tiết kì ảo (ví dụ: Vua cưỡi lên lưng rùa, rùa đưa vua đi thăm đủ 99 ngách...). Những chi tiết này có tác dụng gì cho câu chuyện?
4.Thống kê những chi tiết nói về cảnh thiên nhiên. Những chi tiết này có đặc điểm gì và có tác dụng gì cho câu chuyện?
B2: Thực hiện nhiệm vụ
- HS chuẩn bị trước khi kể, GV: quan sát, hỗ trợ HS nếu cần:
B3: Báo cáo, thảo luận: HS kể trước lớp
B4: Kết luận, nhận định: GV nhận xét
HOẠT ĐỘNG 3: LUYỆN TẬP
 a. Mục tiêu:Giúp HS
- HS kể lại được một truyện truyền thuyết. 
- Yêu cầu: Hs tái hiện lại được hình ảnh hay hành động, sự việc trong truyện
b. Nội dung: GV đặt câu hỏi, HS trả lời câu hỏi của GV.
c. Sản phẩm: Câu trả lời của HS
B1: Chuyển giao nhiệm vụ (GV): Kể lại truyền thuyết Hùng Vương chọn đất đóng đô.
Kể (trước nhóm hoặc lớp) một truyền thuyết khác về thời Hùng Vương mà em biết. Trao đổi với bạn về ý nghĩa của truyền thuyết đó.
B2: Thực hiện nhiệm vụ
- HS chuẩn bị trước khi kể, GV: quan sát, hỗ trợ HS nếu cần:
B3: Báo cáo, thảo luận: HS kể trước lớp
B4: Kết luận, nhận định: GV nhận xét
Gợi ý: Tham khảo truyền thuyết dưới đây và thực hiện các yêu cầu bên dưới.
Bản đồ địa lí tự nhiên Việt Nam khổ lớn hoặc bản đồ tự nhiên vùng trung du – miền núi Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng trong Át lát địa lí Việt Nam của NXB Giáo dục Việt Nam.
KHOAI LANG
Vua Hùng mỗi khi đi săn thường có các quan lang và các mị nương(1) đi theo.
Một hôm, trên đường trở về, đoàn người đi qua một quả đồi có thứ dây lá bò lan xanh tốt, ngựa rất thích ăn. Vua bèn truyền nghỉ chân. Bầy ngựa say sưa ăn thứ lá này đến nỗi không chịu về. Vua thấy lạ, bảo nhổ thử gốc dây lên xem sao thì thấy có thứ củ to sắc tía. Vua hỏi có ai biết đó là củ gì, ăn được không thì người bảo ăn được, người bảo không ăn được, lại có người bảo củ này có ma. Vua truyền nếu có ma cứ ném vào lửa đốt là tất ma phải chết. Mọi người nhóm lửa, vứt thử vài củ vào. Khi vỏ củ cháy đen thì thấy củ mềm và có mùi thơm, nếm thử, thấy bùi và ngọt, ai cũng khen ngon. Vua Hùng truyền nướng ăn cho đỡ đói. Vua còn bảo đem một ít dây lẫn củ về trồng.
Dần dần cả vùng lấy giống trồng nhiều mãi lên. Vì bắt đầu trồng từ nhà quan lang nên gọi là khoai lang.
(Theo Dương Huy Thiện, Phú Thọ, miền đất cội nguồn, NXB Trẻ, Hà Nội, 2010)
a.Ngoài việc giải thích tên gọi, truyện còn nói lên điều gì
b.Em nghĩ gì về chi tiết Vua Hùng truyền “nếu có ma cứ ném vào lửa đốt là tất ma phải chết“?
 1.Chọn một truyền thuyết về thời Hùng Vương để viết thành bài văn kể chuyện và nêu cảm nghĩ của em.
 2.Đọc thông tin dưới đây và thực hiện yêu cầu ở dưới.
Theo sách Lịch sử Việt Nam, tập 1 (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017), hiện nay có ba ý kiến khác nhau đoán định vị trí của kinh đô nước Văn Lang, tương đương với các vị trí ngày nay là:
Khu vực Đền Hùng, phía tây bắc thành phố Việt Trì.
Phường Thọ Sơn, phía nam thành phố Việt Trì.
Phường Bạch Hạc, cực phía nam thành phố Việt Trì.
Chưa có ý kiến nào hoàn toàn thuyết phục, song điều chắc chắn, kinh đô nước Văn Lang vẫn không nằm ngoài vùng đất Tổ Phú Thọ.
Xác định trên bản đồ của Google Maps các vị trí trên kết hợp với xem bản đồ địa lí tự nhiên Việt Nam để chọn những thông tin đúng:
 a.Thành phố Việt Trì là nơi chuyển tiếp từ vùng trung du và miền núi Bắc Bộ xuống vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Quốc sử quán triều Nguyễn), thời đó các con trai của Vua Hùng gọi là quan lang, các con gái thì gọi là mị nương.
b. Bên phải thành phố Việt Trì là dãy núi Ba Vì, bên trái là dãy núi Tam Đảo (đứng xuôi dòng sông Lô).
c. Thành phố Việt Trì và vùng lân cận phía nam thành phố là nơi gặp gỡ của ba con sông lớn: sông Đà, sông Hồng, sông Lô.
d. Khu vực Đền Hùng và phường Thọ Sơn nằm ở giữa hai con sông – sông Hồng và sông Lô.
e. Khu vực phường Bạch Hạc là nơi sông Lô chảy vào sông Hồng.
 g. Ba vị trí – Đền Hùng, Thọ Sơn, Bạch Hạc – cách đều nhau (nằm ở ba đỉnh một tam giác đều).
 h. Ba vị trí – Đền Hùng, Thọ Sơn, Bạch Hạc – gần như trên một đường thẳng, chạy gần như song song sông Hồng và sông Lô.
2. Đọc trích đoạn dưới đây và thực hiện yêu cầu ở dưới.
Đền Hùng ở trên núi Hy Cương thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì.
Núi Hy Cương ở về phía đông nam thị xã Phú Thọ, là núi cao nhất trong khu vực này. Đứng trên đỉnh núi ta thấy được sông Hồng uốn khúc và xa xa hơn nữa, trên khung cảnh ruộng đồng xanh ngắt, sông Đà, sông Lô nhập với sông Hồng tạo nên vùng nước mênh mông gọi là Ngã Ba Hạc. Cũng lạ thay, ba con sông lớn nhất của vùng trung châu và đồng bằng Bắc Bộ lại gặp nhau trên khu vực lịch sử rộng lớn Đền Hùng!
Đằng xa là núi Tản Viên xanh thẫm cao vút đứng sừng sững bên sông Đà, phía bên trái là núi Tam Đảo với ba ngọn chọc trời. Xung quanh núi Hy Cương với những quả đồi lô nhô, quả to quả nhỏ, quả thấp quả cao, mỗi quả một hình. Nhưng nổi bật giữa đám đồi này vẫn là núi Hy Cương hùng vĩ và hai quả đồi cạnh nó, đồi Trọc và đồi Vặn, tạo thành một hình mà nhân dân địa phương gọi là “con rồng”.
 (Theo Lê Tư Lành, Tuyển tập Lê Tư Lành, NXB Thế giới, 2013)
Dựa vào kết quả ở bài tập 1 kết hợp với tham khảo trích đoạn trên, hãy chứng minh: dù kinh đô ở vị trí nào trong ba vị trí nói trên thì đều có những lợi thế cho việc định đô.
HOẠT ĐỘNG 4: VẬN DỤNG:
 (Hướng dẫn thực hiện ở nhà)
1. Học bài cũ: Học bài, tìm hiểu trên mạng Internet các truyện Truyền thuyết về thời đại Hùng vương. 
2. Soạn bài: các chủ đề tiếp theo.
_____________________________________
Ngày 19 tháng 3 năm 2022
Duyệt giáo án tuần
Trần Thị Thơm

File đính kèm:

  • docxgiao_an_dia_phuong_chu_de_2_truyen_thuyet_ve_thoi_dai_hung_v.docx