Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi Địa lí - Địa hình Việt Nam

Đồi núi là bộ phận quan trọng nhất của địa hình Việt Nam, tính quan trọng của nó thể hiện ở tỉ lệ diện tích so với toàn lãnh thổ, ở tính đồ sộ và sự liên tục từ bắc đến nam, về tác động của nó đến dải đồng bằng ven biển và bờ biển. Chính vì vậy đất nước nhiều đồi núi là một đặc điểm quan trọng của tự nhiên Việt Nam và nó chi phối đến nhiều thành phần tự nhiên khác.

Trên đất liền, đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích lãnh thổ, phần còn lại là đồng bằng chỉ chiếm 1/4 diện tích lãnh thổ.

 Đồi núi tạo thành biên giới tự nhiên bao quanh phía bắc và phía tây tổ quốc, từ biên giới Việt Trung đến cực nam Trung Bộ, dài hơn 1400km. Nhiều nơi các dãy núi lan ra sát biển chia cắt đồng bằng thành các dải nhỏ hẹp. Các đồng bằng ở nước ta cũng được hình thành trên các miền đồi núi sụt võng, tách dãn, được phù sa bồi tụ mà thành. Vì thế hiện trên các đồng bằng còn tồn tại nhiều núi sót nhô cao như núi Voi (Hải Phòng), Thất Sơn (An Giang) Hòn Đất(Kiên Giang) .tạo nên những thắng cảnh đẹp.

Trên biển, đồi núi bị chìm ngập tạo thành các đảo, quần đảo, vịnh biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng, các đảo ở ngoài khơi Trung Bộ như Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lí Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận)

Mặc dù đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích nhưng chủ yếu là đồi núi thấp, đồi núi thấp chiếm hơn 60% diện tích. Nếu kể cả đồng bằng thì địa hình thấp dưới 1000m chiếm tới 85% diện tích. Địa hình cao trên 2000m chỉ chiếm 1% diện tích.

 

docx 26 trang quyettran 13/07/2022 3260
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi Địa lí - Địa hình Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi Địa lí - Địa hình Việt Nam

Chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi Địa lí - Địa hình Việt Nam
CHUYÊN ĐỀ ĐỊA HÌNH VIỆT NAM
A. KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ ĐỊA HÌNH VIỆT NAM
I. Đặc điểm chung của địa hình Việt Nam
1. Đồi núi chiếm phần lớn diện tích nhưng chủ yếu là đồi núi thấp
Đồi núi là bộ phận quan trọng nhất của địa hình Việt Nam, tính quan trọng của nó thể hiện ở tỉ lệ diện tích so với toàn lãnh thổ, ở tính đồ sộ và sự liên tục từ bắc đến nam, về tác động của nó đến dải đồng bằng ven biển và bờ biển. Chính vì vậy đất nước nhiều đồi núi là một đặc điểm quan trọng của tự nhiên Việt Nam và nó chi phối đến nhiều thành phần tự nhiên khác.
Trên đất liền, đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích lãnh thổ, phần còn lại là đồng bằng chỉ chiếm 1/4 diện tích lãnh thổ.
 Đồi núi tạo thành biên giới tự nhiên bao quanh phía bắc và phía tây tổ quốc, từ biên giới Việt Trung đến cực nam Trung Bộ, dài hơn 1400km. Nhiều nơi các dãy núi lan ra sát biển chia cắt đồng bằng thành các dải nhỏ hẹp. Các đồng bằng ở nước ta cũng được hình thành trên các miền đồi núi sụt võng, tách dãn, được phù sa bồi tụ mà thành. Vì thế hiện trên các đồng bằng còn tồn tại nhiều núi sót nhô cao như núi Voi (Hải Phòng), Thất Sơn (An Giang) Hòn Đất(Kiên Giang).tạo nên những thắng cảnh đẹp.
Trên biển, đồi núi bị chìm ngập tạo thành các đảo, quần đảo, vịnh biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng, các đảo ở ngoài khơi Trung Bộ như Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lí Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận)
Mặc dù đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích nhưng chủ yếu là đồi núi thấp, đồi núi thấp chiếm hơn 60% diện tích. Nếu kể cả đồng bằng thì địa hình thấp dưới 1000m chiếm tới 85% diện tích. Địa hình cao trên 2000m chỉ chiếm 1% diện tích. 
2. Cấu trúc địa hình đa dạng
a) Cấu trúc địa hình Việt Nam là cấu trúc cổ được tân kiến tạo làm trẻ lại
Cấu trúc cổ của địa hình Việt Nam thể hiện ở chỗ phần lớn là địa hình đồi núi thấp, có nhiều bề mặt bán bình nguyên cổ, nhiều nơi nham cổ lộ trên mặt. Các nền móng cổ cũng chi phối hướng địa hình hiện tại. 
Quy luật này thể hiện ở hướng vòng cung của các nếp núi bao quanh khối vòm sông Chảy, hướng tây bắc – đông nam ở vùng núi Tây Bắc, Trường Sơn Bắc do phát triển trên mảng nền cổ Hoàng Liên Sơn, Pu Hoạt. 
Sau giai đoạn cổ kiến tạo, phần lớn các miền đồi núi đã được hình thành, sau đó các hoạt động ngoại lực đã làm cho địa hình đồi núi cổ bị san bằng, hạ thấp. Sang giai đoạn tân kiến tạo, do chịu ảnh hưởng của các vận động tạo núi Tân sinh nên các vùng núi cổ, các nền móng cũ được nâng cao, kết hợp với các hoạt động ngoại lực đã cắt xẻ bề mặt các bán bình nguyên cổ để tạo nên những khe sâu, những sườn núi dốc đứng hiện nay. 
Vì thế núi ở Việt Nam không phải là núi uốn nếp trẻ của vận động tạo núi Himalaya mà chủ yếu là kết quả của sự cắt xẻ bề mặt bán bình nguyên cổ theo nhiều bậc của ngoại lực.
b) Địa hình có tính phân bậc rõ rệt, thấp dần từ tây bắc xuống đông nam
Do vận động tân kiến tạo diễn ra không liên tục, chia thành nhiều đợt với những pha nâng lên và pha yên tĩnh xen kẽ nên địa hình có tính phân bậc rõ rệt. Các bậc địa hình được nhận biết chủ yếu qua độ cao của các đỉnh núi thuộc cùng một bậc vì chúng là di tích của một bề mặt san bằng cổ. Địa hình có hướng nghiêng tây bắc – đông nam thấp dần ra biển. 
Từ cao xuống thấp thường gặp các bậc địa hình chính như:
- Các đỉnh núi cao trên 2500m chiếm diện tích rất nhỏ, chủ yếu là các đỉnh núi cao nằm đơn lẻ, phân bố ở dãy Hoàng Liên Sơn.
- Bậc địa hình cao 2100 – 2200m tập trung chủ yếu ở vùng núi cao Tây Bắc, Việt Bắc, khối núi Kon Tum.
- Bậc địa hình 1500 – 1800m thường gặp ở các cao nguyên Đồng Văn, Bắc Hà, vùng núi Sa Pa, Đà Lạt
- Bậc địa hình 1000 – 1400m phổ biến ở vùng núi phía Bắc, Trường Sơn Bắc, Tây Nguyên.
- Bậc địa hình 600 – 9000m tiêu biểu cho vùng vúi thấp, tập trung ở vùng núi phía Bắc và các cao nguyên ba dan ở Tây Nguyên.
- Bậc địa hình từ 200 – 600m gồm các núi, đồi, dãy đồi có diện tích lớn nhất ở nước ta và phân bố rộng khắp ở trung du Bắc Bộ, các vùng đồi núi thấp ở Trung Bộ và nam Tây Nguyên đến đồng bằng Nam Bộ.
- Bậc địa hình cao 25 – 100m là các vùng đồi gò thấp, phần lớn là các bậc thềm phù sa có tuổi Đệ Tứ ở đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ.
- Bậc địa hình thấp dưới 15m là các bậc thềm sông và thềm biển hiện đại.
c) Cấu trúc địa hình gồm 2 hướng chính
Hướng tây bắc đông nam chiếm ưu thế thể hiện rõ ở vùng núi Tây Bắc, vùng núi Trường Sơn Bắc. Các dãy núi lớn, các dòng sông lớn của nước ta cũng có hướng tây bắc đông nam như dãy Hoàng Liên Sơn, Trường Sơn Bắc, Pu Đen Đinh, đứt gãy sông Hồng, sông Cả, sông Mã
Hướng vòng cung thể hiện rõ rệt ở vùng núi Đông Bắc, với 4 cánh cung lớn, vùng Trường Sơn Nam, các dòng sông hướng vòng cung men theo các dãy núi như sông Cầu, sông Thương,
3. Địa hình mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa
- Xâm thực mạnh ở miền núi
+ Trên các sườn dốc mất lớp phủ thực vật, bề mặt địa hình bị cắt xẻ, đất bị xói mòn, rửa trôi, nhiều nơi trơ sỏi đá; khi mưa lớn xảy ra hiện tượng đất trượt, đá lở.
+ Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa thúc đẩy nhanh tốc độ hòa tan và phá hủy đá vôi tạo thành địa hình caxto với các hang động ngầm, suối cạn, thung khô,
+ Tại các vùng thềm phù sa cổ địa hình bị chia cắt thành các đồi thấp xen các thung lũng rộng. 
- Bồi tụ nhanh ở đồng bằng
+ Hệ quả của quá trình xâm thực, bào mòn mạnh bề mặt địa hình ở miền núi là sự bồi tụ, mở mang nhanh chóng đồng bằng ở hạ lưu. Rìa phía đông nam đồng bằng châu thổ sông Hồng và phía tây nam đồng bằng châu thổ sông Cửu Long hàng năm vẫn lấn ra biển từ vài chục đến gần trăm mét.
+ Địa hình có lớp vỏ phong hóa dày, làm địa hình vùng đồi núi thấp ở nước ta có dạng địa hình mềm mại
4. Địa hình chịu tác động mạnh mẽ bởi con người
Địa hình bề mặt đất là nơi cư trú và diễn ra mọi hoạt động của con người. Chính vì vậy, địa hình luôn chịu tác động mạnh mẽ bởi con người và có những biến đổi rõ rệt.
- Tác động tích cực: Trồng rừng, trồng cây làm tăng độ che phủ bảo vệ lớp vỏ phong hóa và đất; chống xâm thực, bóc mòn; chắn gió, chống sự di chuyển của cát. Làm ruộng bậc thang, canh tác theo đường đồng mức để hạn chế xói mòn nơi sườn dốc. Đắp đê, san lấp vùng trũng, lấn biển để bảo vệ đồng ruộng và mở rộng diện tích. Xây dựng các công trình kĩ thuật để khắc phục những trở ngại về địa hình núi (xây dựng cầu, đường, hầm) hoặc khai thác tổng hợp nhiều mục đích
- Tác động tiêu cực: Tàn phá rừng; Khai thác khoáng sản bừa bãi làm phá hủy bề mặt địa hình; Canh tác không hợp lí làm tăng xói mòn, mất đất.
II. Các kiểu địa hình ở Việt Nam
Căn cứ vào đặc điểm hình thái có thể phân biệt địa hình nước ta thành các kiểu hình thánh địa hình chính như núi, cao nguyên, đồi và đồng bằng.
1. Kiểu địa hình núi
Kiểu địa hình núi của nước ta bao gồm các miền núi thấp có độ cao dưới 1000m, miền núi trung bình có độ cao 1000 – 2000m, miền núi cao có độ cao trên 2000m. Kiểu địa hình núi khá phổ biến và tiêu biểu cho địa hình nước ta.
- Kiểu địa hình núi cao trên 2000m phần lớn nằm sâu trong đất liền và vùng biên giới, đặc biệt là biên giới phía bắc từ Hà Giang đến Lai Châu, biên giới phía tây thuộc hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Tiêu biểu cho kiểu địa hình núi cao là dãy Hoàng Liên Sơn, là dãy núi cao nhất nước ta có đỉnh Phansipăng cao 3143m cao nhất bán đảo Đông Dương. Ở vùng Trường Sơn Nam cũng có một số đỉnh núi cao trên 2000m như Ngọc Linh, Ngọc Kring, Vọng Phu, Chư Yang Sin.
- Kiểu địa hình núi trung bình từ 1000 – 2000m chiếm khoảng 14% diện tích lãnh thổ nhưng cũng phân bố khá rộng, từ biên giới phía bắc cho đến phía nam của dãy Trường Sơn. 
- Kiểu địa hình núi thấp dưới 1000m thường gặp ở vùng liền kề với vùng núi trung bình và vùng đồi thành một dải liên tục với các bậc địa hình cao thấp khác nhau. Điển hình của kiểu địa hình núi thấp ở nước ta là vùng Đông Bắc, khu vực Hòa Bình – Thanh Hóa – Nghệ An
2. Kiểu địa hình cao nguyên
Cao nguyên là kiểu địa hình có độ cao khá lớn, bề mặt tương đối bằng phẳng, lượn sóng hoặc có các dãy đồi ở trên các miền núi và thường ngăn cách với các vùng đất thấp bởi các vách bậc địa hình. Ở nước ta thường gặp 3 kiểu cao nguyên chính là cao nguyên đá vôi, cao nguyên ba dan và cao nguyên hỗn hợp các loại đá. 
- Kiểu địa hình cao nguyên đá vôi rất điển hình ở vùng núi phía Bắc và Tây Bắc nước ta. Các cao nguyên này thường có độ cao khá lớn, bề mặt bị chia cắt mạnh, mạng lưới sông suối thưa thớt và hiếm nước. Một số cao nguyên đá vôi tiêu biểu như Đồng Văn (Hà Giang), Bắc Hà (Lào Cai). Ở Tây Bắc còn một dải các cao nguyên đá vôi có độ cao dưới 1000m là Tả Phình, Sín Chải, Sơn La, Mộc Châu. 
- Kiểu địa hình cao nguyên ba dan có hình dạng mềm mại, bằng phẳng hơn cao nguyên đá vôi, trên bề mặt còn di tích của các hoạt động núi lửa như các miệng núi lửa, các hố tròn, được bao phủ bởi đất badan. Các cao nguyên ba dan của nước ta tập trung ở Tây Nguyên.
- Kiểu địa hình cao nguyên hỗn hợp các loại đá trầm tích, mắc ma, biến chất tiêu biểu là cao nguyên Lâm Viên – Đà Lạt (Lâm Đồng)
3. Kiểu địa hình đồi
Kiểu địa hình đồi ở nước ta thường gặp ở vùng giáp ranh có tính chất chuyển tiếp từ địa hình miền núi xuống đồng bằng và thường có độ cao trung bình từ 50 – 85m. Địa hình đồi thuộc kiểu địa hình bóc mòn do tác động của ngoại lực đã phá hủy, xâm thực đá gốc hoặc thềm sông, thềm biển. 
Kiểu địa hình đồi ở nước ta phổ biến ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, thuộc trung du Bắc Bộ, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh ở Đông Nam Bộ.
4. Kiểu địa hình đồng bằng
Kiểu địa hình đồng bằng ở nước ta thuộc bậc địa hình thấp nhất, phần lớn nằm ở phía đông lãnh thổ tiếp giáp với biển Đông. Đặc điểm chung của các đồng bằng là có bề mặt bằng phẳng, độ cao thường không vượt quá 15m, được bồi đắp bằng trầm tích biển, trầm tích lục địa và phù sa của các con sông lớn trên các vùng trũng bị sụt lún. Có 2 kiểu đồng bằng, đó là đồng bằng châu thổ hình thành ở hạ lưu sông lớn, chủ yếu do phù sa sông bồi đắp. Tiêu biểu là đồng bằng châu thổ sông Hồng và đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Kiểu địa hình dải đồng bằng ven biển miền Trung có đặc điểm chung là nhỏ hẹp và dốc hơn nhiều so với đồng bằng châu thổ, ở một số nơi ven biển còn xuất hiện các cồn cát.
5. Các kiểu địa hình đặc biệt
- Kiểu địa hình cacxtơ là kiểu địa hình ở vùng núi đá vôi được hình thành do quá trình xâm thực chủ yếu của nước đối trên các đá dễ hòa tan. Địa hình núi đá vôi ở nước ta có diện tích rất rộng lớn, tập trung chủ yếu ở miền Bắc, từ biên giới phía bắc tới Quảng Bình, ở miền Nam chỉ có một bộ phận nhỏ ở Hà Tiên (Kiên Giang). Địa hình cacxtơ ở Việt Nam có thể chia thành các kiểu địa hình cacxtơ ngập nước, cacxtơ nằm xen kẽ ở vùng đồng bằng, địa hình cacxtơ tập trung. Địa hình cacxtơ thường tạo nên những phong cảnh đẹp, đặc biệt là các hang động và sông suối ngầm.
- Kiểu địa hình bờ biển ở nước ta rất đa dạng, bao gồm 3 kiểu chính là kiểu địa hình mài mòn, kiểu địa hình bồi tụ, kiểu địa hình mài mòn – bồi tụ.
Kiểu địa hình bờ biển bồi tụ được quyết định bởi quá trình bồi tụ ở vùng cửa sông, ven biển. Khu vực cửa sông Hồng và khu vực bờ biển từ cửa sông Sài Gòn đến Hà Tiên là điển hình cho kiểu địa hình bồi tụ tam giác châu. 
Kiểu địa hình bờ biển mài mòn xuất hiện ở các khu vực đồi núi trực tiếp tiếp xúc với biển, điển hình nhất là đoạn bờ biển từ mũi Đại Lãnh (Phú Yên) đến mũi Dinh (Ninh Thuận). 
Kiểu địa hình bờ biển bồi tụ - mài mòn xuất hiện ở những nơi có núi nhô ra sát biển nhưng quanh đấy lại có nhiều phù sa của các con sông khiến cho chân vách đá mài mòn có bãi biển tích tụ cát. Ở khu vực ven biển Trung Bộ còn xuất hiện các kiểu địa hình cồn cát ven biển, các đầm phá, vũng biển. 
III. Các khu vực địa hình ở Việt Nam
1. Khu vực địa hình đồi núi
a) Địa hình núi
Địa hình núi chia thành 4 vùng: Đông Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn Bắc, Trường Sơn Nam.
- Vùng núi Đông Bắc nằm ở tả ngạn sông Hồng, gồm một loạt các dãy núi chạy theo hướng vòng cung. Các cánh cung này mở rộng ở phía bắc và quy tụ về Tam Đảo, bao gồm các cánh cung sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều. Theo hướng các dãy núi là hướng vòng cung của các thung lũng sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam... Các đỉnh cao trên 2000m nằm trên thượng nguồn sông Chảy như Tây Côn Lĩnh, Kiều Liêu Ti, Pu Tha Ca,Giáp biên giới Việt Trung là các khối núi đá vôi đồ sộ ở Hà Giang, Cao Bằng, cao trên 1000m. Ở trung tâm là vùng đồi núi thấp có độ cao trung bình 500 – 600m.
- Vùng núi Tây Bắc nằm giữa sông Hồng và sông Cả, là vùng núi cao nhất nước ta với 3 dải địa hình cùng chạy theo hướng tây bắc – đông nam. Phía đông là dãy Hoàng Liên Sơn cao và đồ sộ nhất nước ta, có đỉnh Phanxipăng (3143). Phía tây là địa hình núi trung bình của các dãy núi chạy dọc biên giới Việt Lào như Pu Đen Đinh, Pu Sam Sao. Ở giữa là các dãy núi, sơn nguyên và cao nguyên đá vôi từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Mộc Châu (Sơn La) tiếp nối là vùng núi đá vôi Ninh Bình, Thanh Hóa. Xen giữa các dãy núi là các thung lũng sông cùng hướng như sông Đà, sông Mã, sông Chu. 
- Vùng núi Trường Sơn Bắc giới hạn từ phía nam sông Cả đến dãy Bạch Mã, bao gồm các dãy núi song song và so le nhau theo hướng tây bắc – đông nam. Đây là vùng đồi núi thấp, hẹp ngang, cao trung bình 1000m, có một vài đỉnh núi cao trên 2000m như Pu Xai Lai Leng, Rào Cỏ. Dãy Trường Sơn Bắc được nâng lên với hai sườn không đối xứng, sườn tây rộng và thoải, còn sườn phía đông dốc, núi lan ra sát biển. Phía bắc là vùng núi tây Nghệ An, phía nam là vùng núi tây Thừa Thiên Huế, ở giữa là khối núi đá vôi Quảng Bình và vùng đồi thấp Quảng Trị. Cuối cùng là dãy Bạch Mã đâm ngang ra biển, đây cũng là ranh giới với vùng Trường Sơn Nam.
- Vùng núi Trường Sơn Nam gồm các khối núi và cao nguyên. Khối núi Kon Tum và khối núi Cực Nam Trung Bộ được nâng cao đồ sộ. Địa hình núi với những đỉnh cao trên 2000m nghiêng dần về phía đông. Tương phản với địa hình núi ở phía đông là các cao nguyên ba dan Plâycu, Đăk Lăk, Mơ Nông, Di Linh tương đối bằng phẳng có độ cao 500 – 800 – 1000m và các bán bình nguyên xen đồi ở phía tây tạo nên sự bất đối xứng rõ rệt giữa hai sườn đông, tây của vùng Trường Sơn Nam
b) Địa hình bán bình nguyên và đồi trung du
Nằm chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng là các bề mặt bán bình nguyên hoặc các đồi trung du. Bán bình nguyên thể hiện rõ ở Đông Nam Bộ với bậc thềm phù sa cổ ở độ cao khoảng 100m và bề mặt phủ ba dan ở độ cao khoảng 200m. Địa hình đồi trung du phần nhiều là các thềm phù sa cổ bị chia cắt do tác động của dòng chảy. Dải đồi trung du rộng nhất nằm ở rìa đồng bằng sông Hồng và thu hẹp ở rìa đồng bằng ven biển miền Trung.
2. Khu vực địa hình đồng bằng
Đồng bằng nước ta chiếm khoảng 1/4 diện tích lãnh thổ, được chia thành 2 loại: đồng bằng châu thổ và đồng bằng ven biển.
a) Đồng bằng châu thổ
Đồng bằng châu thổ sông gồm đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Hai đồng bằng này đều được thành tạo và phát triển do phù sa sông bồi tụ dần trên vịnh biển nông, thềm lục địa mở rộng.
- Đồng bằng sông Hồng là đồng bằng bồi tụ phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, đã được con người khai thác từ lâu đời và bị biến đổi mạnh mẽ. Đồng bằng có diện tích rộng khoảng 15000km2, có hình tam giác châu đỉnh là Việt Trì, đáy là vịnh Bắc Bộ. Bề mặt đồng bằng bị chia cắt thành nhiều ô nhỏ do hệ thống đê điều. Vùng trong đê không được bồi tụ phù sa hàng năm, gồm các khu ruộng bậc cao bạc màu và các ô trũng ngập nước. Vùng ngoài đê được bồi đắp phù sa hàng năm.
- Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng châu thổ được bồi tụ bởi phù sa của sông Tiền và sông Hậu. Diện tích đồng bằng khoảng 40000km2, địa hình thấp và bằng phẳng hơn so với đồng bằng sông Hồng. Trên bề mặt đồng bằng không có đê nhưng có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Về mùa lũ nước ngập trên diện rộng, còn mùa cạn nước triều xâm nhập mạnh làm cho gần 2/3 diện tích đồng bằng là đất phèn, đất mặn. 
b) Đồng bằng ven biển
Dải đồng bằng ven biển miền Trung có tổng diện tích khoảng 15000km2, biển đóng vai trò chủ yếu trong việc hình thành dải đồng bằng này nên đất ở đây thường nghèo, nhiều cát, ít phù sa sông. Đồng bằng phần nhiều hẹp ngang, bị chia cắt thành nhiều đồng bằng nhỏ như Thanh – Nghệ - Tĩnh, Bình – Trị - Thiên, Nam – Ngãi – ĐịnhChỉ một số đồng bằng được mở rộng ở cửa sông lớn là Thanh Hóa của hệ thống sông Mã – Chu, Nghệ An của sông Cả, Quảng Nam của sông Thu Bồn, Tuy Hòa của sông Đà Rằng. Ở nhiều đồng bằng thường có sự phân chia thành 3 dải: giáp biển là cồn cát, đầm phá, giữa là vùng thấp trũng, dải trong cùng đã được bồi tụ thành đồng bằng.
IV. Các miền địa hình:
1. Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ
Địa hình đồng bằng và đồi núi thấp chiếm phần lớn diện tích hơn 90% của toàn miền, với độ cao trung bình khoảng 600m, các vùng núi trung bình và núi cao chiếm chưa đến 10%.
Địa hình của miền thấp dần từ tây bắc xuống đông nam được nhận biết rất rõ theo hướng chảy của mạng lưới sông ngòi và sự thấp dần của các bặc địa hình 1600m – 1300m – 900m- 500m-300m tới vùng trung du với các bán bình nguyên có độ cao dưới 100m và vùng đồng bằng châu thổ có độ cao từ 0 -25m.
Nét đặc sắc nhất của cấu trúc địa hình của miền là có dạng rẽ quạt mở rộng về phía đông bắc, quy tụ về phía nam của dãy núi tam Đảo. đó là các dãy núi cánh cung ôm lấy khối núi thượng nguồn sông Chảy quay lưng về phía Đông và đông nam là các cánh cung S Gâm, N Sơn, B Sơn, Đ Triều. các dãy núi cánh cung này chạy xen kẽ với các thung lũng sông mở đường thông thương giữa miền núi với miền đồng bằng theo hướng bắc nam trở nên thuận lợi hơn so với các đường giao thông theo hướng đông tây. Tại các vùng núi ở đây còn có các cánh đồng khá rộng ở các thung lũng sông và vùng trũng như Thất Khê, Cao Bằng Tuyên quang.
Các vùng núi trung bình và các đỉnh núi cao trên 2000m tạo địa hình chắn gió thuận lợi đã trở thành các trung tâm mưa lớn.
Đối lập với các vùng núi là là vùng đồng bằng Sông Hồng và Sông Thái Bình với địa hình thấp, bằng phẳng. ở các vùng cửa sông độ cao trung bình chỉ còn 1 – 2m.
Đặc điểm địa hình của miền là sự tiếp nối vùng núi phía nam Trung QuỐc từ cao nguyên Vân Quý và vùng núi thấp Hoa Nam theo xu thế thấp về phía Nam và đông nam. Hướng cấu trúc địa hình và địa thế đặc sắc của miền đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của khối khí cực đới lạnh khô theo gió mùa đông bắc cũng như các khối khí nhiệt đới nóng ẩm theo gió mùa mùa hạ có hướng đông nam từ vịnh Bắc Bộ dễ dàng tiến sâu vào lãnh thổ nước ta.
2. Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.( tham khảo trang 69 đến trang 73 giáo trình địa lí tự nhiên Việt Nam 2)
3. Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ (tham khảo trang 130 đến trang 131 giáo trình địa lí tự nhiên Việt Nam 2)
V. Các nhân tố tác động đến địa hình Việt Nam
1. Khái quát chung
Địa hình là thể tổng hợp tất cả các dạng hình thái của bề mặt Trái Đất nói chung hay một khu vực nói riêng. Nó là kết quả của tác dụng tương hỗ giữa các quá trình nội sinh và ngoại sinh được thể hiện trên bề mặt Trái Đất.
Như vậy, sự tác động nội lực và ngoại lực đã hình thành những dạng địa hình trên Trái Đất nói chung và địa hình Việt Nam nói riêng. Đây là 2 nhân tố căn bản tạo nên địa hình và làm thay đổi địa hình với những điểm đặc trưng: độ cao, hướng, cấu trúc bề mặt, các dạng địa hình.
Nội lực và ngoại lực có mối quan hệ vừa thống nhất vừa mâu thuẫn với nhau:
Nội lực và ngoại lực xảy ra đồng thời, liên tục và có tính đối lập nhau về phương hướng: nội lực làm nâng lên hoặc hạ xuống các bộ phận của vỏ Trái Đất, có khuynh hướng làm tăng cường tính gồ ghề của bề mặt đất. Trong khi đó, ngoại lực có khuynh hướng san bằng những chỗ gồ ghề đó. 
Mặc dù đối lập nhưng hai quá trình lại thống nhất với nhau: nếu vận động kiến tạo nâng lên sinh ra miền núi thì ngoại lực có hướng phá hủy; còn vận động hạ xuống thì phương chung của ngoại lực là bồi tụ.
Vai trò của nội lực và ngoại lực trong các yếu tố địa hình cụ thể là không giống nhau. Trong việc hình thành các yếu tố địa hình lớn (dạng địa hình kiến tạo), nội lực đóng vai trò chủ yếu. Đối với địa hình nhỏ (địa hình bóc mòn – bồi tụ) nội lực đóng vai trò thứ yếu còn ngoại lực đóng vai trò chủ yếu.
2. Các nhân tố tác động đến địa hình Việt Nam
Ngoài 2 nhân tố chủ đạo là nội lực và ngoại lực, đối với việc nghiên cứu địa hình khu vực, ta cần nghiên cứu thêm vị trí địa lí kiến tạo.
1.Nội lực
- Để tìm hiểu tác động nội lực, cần phải nắm chắc được lịch sử hình thành và phát triển lãnh thổ nước ta và tác động của từng giai đoạn đến địa hình Việt Nam cũng như các khu vực địa hình. Trong đó, nội lực tác động chủ yếu đến khu vực đồi núi nước ta.
- Lịch sử hình thành lãnh thổ Việt Nam diễn ra lâu dài và phức tạp với 3 giai đoạn: Tiền Cambri, Cổ kiến tạo và Tân kiến tạo. Mỗi giai đoạn này có đặc điểm và ý nghĩa riêng đối với địa hình nước ta:
* Giai đoạn Tiền Cambri
- Là giai đoạn hình thành nền móng ban đầu địa hình Việt Nam với những nền móng cổ rắn chắc, định hình cho cấu trúc địa hình Việt Nam sau này:
+ Đông Bắc: hình thành khối Vòm sông Chảy, đới đứt gãy sông Hồng
+ Tây Bắc: Hoàng Liên Sơn, Pu Hoạt,
+ Trường Sơn Bắc: Rào Cỏ, Puxailaileng
+ Trường Sơn Nam: hình thành khối Kon Tum.
* Giai đoạn Cổ kiến tạo
Về cơ bản địa hình nước ta trong giai đoạn này đã hình thành xong: Trên cơ sở các mảng nền cổ của giai đoạn Tiền Cambri được củng cố, nâng lên và tiếp tục phát triển. 
Cuối giai đoạn này, lãnh thổ nước ta trải qua thời kì tương đối ổn định và tiếp tục được hoàn thiện đưới chế độ lục địa, chủ yếu tác động bởi các quá trình ngoại lực. Lãnh thổ lúc này giống như một bán bình nguyên cổ - khá là bằng phẳng.
* Giai đoạn Tân kiến tạo
- Giai đoạn này nước ta chịu tác động mạnh mẽ bởi vận động tạo núi Anpo – Himmalaya từ đầu kỉ Neogen. Vận động tạo núi với các pha nâng lên, hạ xuống đã tác động mạnh mẽ đến đặc điểm địa hình Việt Nam hiện nay.
- Vận động tạo núi này đã làm địa hình nước ta nâng cao, mang tính chất trẻ lại.
Cường độ nâng cao ở tây – tây bắc, yếu ở đông – đông nam đã khiến hướng nghiêng chung của địa hình Việt Nam là hướng tây bắc – đông nam thấp dần ra phía biển.
- Cường độ tác động của các pha nâng khác nhau giữa các khu vực làm địa hình nước ta có sự phân hóa rõ rệt theo các khu vực
+ Đông Bắc: cường độ nâng yếu tạo nên địa hình chủ yếu là đồi núi thấp. Khu vực được nâng lên chủ yếu là vòm sông Chảy tạo nên địa hình núi cao ở phía Bắc.
+ Tây Bắc: cường độ nâng mạnh nhất đã tạo nên các khu vực có độ cao lớn nhất nước ta.
+ Trường Sơn Bắc: cường độ trung bình, nâng cao các mảng nền cổ giai đoạn trước, hình thành cấu trúc địa hình cao ở hai đầu, thấp trũng ở giữa.
+ Trường Sơn Nam: vận động diễn ra muộn và kết thúc sớm kết hợp với hiện tượng phun trào macma hình thành các bề mặt cao nguyên phủ bazan rộng lớn.
- Vận động tạo núi này diễn ra theo nhiều đợt (6 đợt), mỗi đợt có cường độ khác nhau, đợt sau kế thừa đợt trước khiến địa hình nước ta có sự phân bậc rõ nét.
- Trong giai đoạn này, bên cạnh các pha nâng còn có các pha sụt võng, đây là cơ sở để hình thành các dạng địa hình đồng bằng dưới tác động của yếu tố ngoại lực.
2. Ngoại lực
Đặc điểm thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa đã khiến các quá trình ngoại lực ở nước ta diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt dưới tác động của yếu tố khí hậu và sông ngòi. Tác động của ngoại lực đối với địa hình nước ta chủ yếu được thể hiện dưới tác động sau:
Tạo nên đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi núi thấp của Việt Nam. Dưới tác động xâm thực, bóc mòn của ngoại lực diễn ra trong thời gian dài đã hạ thấp độ cao địa hình khiến Việt Nam là đất nước nhiều đồi núi nhưng chủ yếu là đồi núi thấp
Khắc sâu tính chất trẻ lại của địa hình Việt Nam. Nhận định “Ở Việt Nam không có núi, chỉ có thung lũng” đã khẳng định tính chất trẻ lại của địa hình Việt Nam dưới tác động của ngoại lực (chủ yếu với các quá trình xâm thực, bóc mòn, cắt xẻ địa hình dưới tác động của dòng chảy trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa).
Hình thành những dạng địa hình mới: đặc trưng nhất là địa hình caxto ở vùng núi đá vôi và sự hình thành các địa hình đồng bằng châu thổ, đồng bằng ven biển.
3. Vị trí địa lí kiến tạo
- Miền bắc và đông bắc Bắc Bộ là một bộ phận của miền nền Hoa Nam(TQ). Do tính chất của một miền nền nên về mặt kiến tạo địa chất ở miền này có tính chất ổn định hơn nên vận động nâng lên ở đây yếu hơn ít biến động lớn so với miền địa máng thuộc xứ Đông Dương chiếm phần lớn diện tích lãnh thổ nước ta.
- Miền TB va BTB có địa hình núi cao hơn, độ dốc lớn hơn và độ cắt xẽ cao vì đây là một bộ phận của địa máng Việt – Lào nên có hoạt động địa máng mạnh nhất ở VN và được nâng mạnh trong vận động tân kiến tạo.
- miền NTB và NB chịu ảnh hưởng của khối nền cổ Kon Tum.
- ĐBSH và ĐBSCl : biên độ sụt võng của 2 đồng bằng khác nhau. Mặt dù cả hai đồng bằng đều được hình thành tại vùng sụt võng trong đại tân sinh, nhưng do cường độ sụt võng của ĐBSH yếu hơn nên địa hình có độ cao cao hơn, trên bề mặt xuất hiện nhiều núi sót.
VI. Mối quan hệ giữa địa hình và các thành phần tự nhiên
Do có nhiều đặc điểm độc đáo nên địa hình đã ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các thành phần tự nhiên của nước ta. Địa hình chủ yếu là đồi núi đã tạo nên một trong những đặc điểm chung của tự nhiên Việt Nam là đất nước nhiều đồi núi. Đặc điểm của địa hình đã tác động và là một trong những nhân tố khiến thiên nhiên nước ta phân hóa rất đa dạng. 
Ngược lại, các thành phần tự nhiên khác cũng có tác động rất lớn tới quá trình hình thành địa hình Việt Nam. Các thành phần tự nhiên hay nói cách khác chính là những tác nhân nội lực và ngoại lực đã chi phối quá trình hình thành, phát triển địa hình, tạo nên những đặc điểm địa hình Việt Nam hiện tại.
1, Tác động của địa hình đến các thành phần tự nhiên
a) Khí hậu
Nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa song các yếu tố cơ bản của địa hình như độ cao, hướng sườn, hướng nghiêng, độ chia cắt địa hình đã ảnh hưởng lớn tới khí hậu và làm phong phú thêm sự phân hóa đa dạng của khí hậu.
Độ cao địa hình đã tác động làm khí hậu nước ta có sự phân hóa theo đai cao rất rõ rệt. Ở nước ta địa hình chủ yếu là đồi núi thấp dưới 1000m (chiếm tới 85% diện tích) nên tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa vẫn được bảo toàn. Càng lên cao nhiệt độ càng giảm, độ ẩm tăng lên vì thế ở các vùng núi cao khí hậu mang tính chất cận nhiệt và ôn đới. Ở độ cao từ 600 – 700m đến 2600m ở miền Bắc, từ 900 – 1000m đến 2600m ở miền Nam là kiểu khí hậu cận nhiệt đới gió mùa trên núi. Ở độ cao trên 2600m là kiểu khí hậu ôn đới gió mùa trên núi.
Hướng nghiêng của địa hình là hướng tây bắc – đông nam, thấp dần ra biển khiến cho ảnh hưởng của biển có thể thâm nhập vào sâu trong đất liền, làm tăng tính chất ẩm của khí hậu.
Hướng cấu trúc địa hình cũng ảnh hưởng lớn tới sự phân hóa khí hậu theo chiều bắc – nam, đông – tây, nhiều dãy núi trở thành ranh giới tự nhiên của các miền khí hậu như dãy Hoàng Sơn, Bạch Mã. Các dãy núi của nước ta có hướng chính là hướng tây bắc – đông nam như Hoàng Liên Sơn, Trường Sơn Bắc gần như vuông góc với hướng gió mùa mùa hạ và gió mùa mùa đông nên trở thành các bức chắn địa hình. Cấu trúc vòng cung của địa hình vùng núi Đông Bắc trở thành hành lang hút gió mùa đông bắc, khiến gió mùa đông bắc có điều kiện thâm nhập sâu xuống vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. 
b) Sông ngòi
Địa hình ảnh hưởng trực tiếp đến đặc điểm hình thái mạng lưới sông ngòi nước ta. Do địa hình đồi núi chiếm ưu thế, núi ở phía tây, đồng bằng ở phía đông cộng với hình dạng lãnh thổ hẹp ngang nên sông ngòi ở nước ta chủ yếu là sông nhỏ, ngắn, dốc và đổ ra biển. 
Theo hướng cấu trúc của địa hình sông ngòi nước ta cũng chảy theo 2 hướng chính đó là hướng tây bắc – đông nam của các sông ở vùng Tây Bắc, Trường Sơn Bắc, hướng vòng cùng của các sông ở vùng Đông Bắc, Trường Sơn Nam
(diễn giải thêm sông chảy trên từng dạng địa hình)
c) Thổ nhưỡng, sinh vật
Địa hình đã dẫn tới sự phân hóa đất và sinh vật theo đai cao. Ở độ cao dưới 600m ở miền Bắc, dưới 1000m ở miền nam, khí hậu nhiệt đới được bảo toàn nên sinh vật ở đây chủ yếu là các hệ sinh thái nhiệt đới, đất hình thành là đất feralit. 
Ở độ cao 600 – 1600m do nhiệt độ giảm làm hạn chế quá trình phân giải chất hữu cơ, mùn được tích lũy hình thành đất feralit có mùn trên núi đồng thời quá trình phong hóa yếu đi nên tầng đất mỏng hơn. Sinh vật ở đây đã xuất hiện các loài chim thú cận nhiệt đới, các loài thú có lông dày như gấu, sóc, cầy, cáo.
Ở độ cao trên 1600m đến 2600m, nhiệt độ thấp, quá trình feralit ngừng trệ, hình thành đất mùn, rừng sinh trưởng kém, thực vật thấp nhỏ, đơn giản về thành phần loài, trong rừng có nhiều chim di cư thuộc khu hệ Himalaya.
Ở độ cao trên 2600m, chỉ có ở dãy Hoàng Liên Sơn có các loài thực vật ôn đới như đỗ quyên, lãnh sam, thiết sam, đất chủ yếu là đất mùn thô.
d) Khoáng sản
Quá trình hình thành khoáng sản có liên quan chặt chẽ tới sự hình thành địa hình và các dạng địa hình. Các mỏ nội sinh thường phân bố ở các vùng núi cao, chịu tác động mạnh của vận động nâng lên như đồng ở Lào Cai, Sơn La, Yên Bái; chì kẽm ở Bắc Cạn, Tuyên Quang; thiếc ở Cao Bằng
Các mỏ ngoại sinh thường phân bố ở những vùng trũng thấp, được bồi lắng trầm tích như các mỏ than ơ Quảng Ninh, dầu khí ở thềm lục địa phía nam, than nâu ở đồng bằng sông Hồng.
2. Tác động của các thành phần tự nhiên tới địa hình
a) Địa chất
Lịch sử phát triển tự nhiên của nước ta đã diễn ra lâu dài và phức tạp, việc nghiên cứu lịch sử phát triển tự nhiên sẽ giúp cho việc giải thích nguồn gốc hình thành và sự phát triển của địa hình. Từ các kết quả nghiên cứu có thể chia lịch sử phát triển tự nhiên của nước ta thành 3 giai đoạn: giai đoạn tiền Cambri, giai đoạn cổ kiến tạo, giai đoạn tân kiến tạo.
- Giai đoạn tiền Cambri (kéo dài gần 3 tỉ năm, kết thúc cách đây 542 triệu năm) là giai đoạn cổ nhất và kéo dài nhất trong lịch sử phát triển lãnh thổ Việt Nam. Trong giai đoạn này đã hình thành nền móng ban đầu của lãnh thổ Việt Nam làm cơ sở để hình thành các bộ phận lãnh thổ còn lại của nước ta, chi phối hướng địa hình hiện đại. 
- Giai đoạn Cổ kiến tạo (trải qua hai đại Cổ sinh và Trung sinh, kết thúc vào kỉ Crêta cách đây 65 triệu năm): Do chịu tác động của nhiều vận động tạo núi như Calêđôni, Hecxini thuộc đại Cổ sinh, Indoxini, Kimêri thuộc đại Trung Sinh với nhiều pha nâng lên hạ xuống khác nhau đã quy định đặc điểm quan trọng của địa hình nước ta là đất nước nhiều đồi núi.
- Giai đoạn tân kiến tạo là giai đoạn cuối cùng trong lịch sử phát triển lãnh thổ nước ta và kéo dài cho đến ngày nay. Vận động tạo núi Himalaya 

File đính kèm:

  • docxchuyen_de_boi_duong_hoc_sinh_gioi_dia_li_dia_hinh_viet_nam.docx