Đề tài Một số phương pháp dạy âm nhạc tiểu học hiện đại

Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp tiết học sinh động hơn. Giáo viên ít phải đàn mẫu, hát mẫu. Học sinh hứng thú, sôi nổi học tập và được cung cấp nhiều thông tin, hình ảnh, video trực quan về nội dung bài học hơn. Qua những hình ảnh, đoạn video, các em bộc lộ cảm xúc, tư duy của mình rõ hơn.

doc 5 trang Phương Mai 29/11/2023 1100
Bạn đang xem tài liệu "Đề tài Một số phương pháp dạy âm nhạc tiểu học hiện đại", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề tài Một số phương pháp dạy âm nhạc tiểu học hiện đại

Đề tài Một số phương pháp dạy âm nhạc tiểu học hiện đại
BÀI THAM LUẬN
MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP DẠY ÂM NHẠC 
TIỂU HỌC HIỆN ĐẠI
I/ ĐẶT VẤN ĐỀ: 
Mục đích của giáo dục hiện nay là đào tạo những con người phát triển toàn diện. Việc giáo dục toàn diện không chỉ có đạo đức tốt, có trình độ hiểu biết, nắm chắc các kiến thức khoa học xã hội, có sức khỏe mà còn phải có thẩm mỹ - hiểu biết và yêu thích cái đẹp. Một trong những con đường giáo dục thẩm mỹ nhanh và hiệu quả nhất là thông qua các môn nghệ thuật, trong đó Âm nhạc có vị trí rất quan trọng. Thông qua môn học này sẽ bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm cho các em, nâng cao óc thẩm mỹ. Mặt khác, qua học Âm nhạc, học sinh sẽ hình thành khả năng cảm thụ âm nhạc, phân biệt được cái hay, cái không hay...Trên cơ sở đó sẽ xây dựng cho các em một thị hiếu âm nhạc đúng đắn. Hơn thế nữa, ở lứa tuổi nhi đồng nếu được giáo dục âm nhạc sớm và đúng cách thì năng khiếu âm nhạc sẽ được phát triển và bền vững. Những yếu tố đặc trưng của ngôn ngữ âm nhạc trong quá trình được học tập sẽ có tác dụng rất sâu sắc đến việc hình thành nhân cách ở trẻ em. Niềm say mê và năng lực hoạt động ở lứa tuổi này thu nhận được trong quá trình học tập và rèn luyện ở nhà trường sẽ là cơ sở để hình thành lý tưởng thẩm mỹ đúng đắn. Nó ảnh hưởng rất lớn và lâu dài đến toàn bộ cuộc sống tinh thần của các em sau này.
Với những mục đích ý nghĩa trên, việc đưa “Một số phương pháp dạy âm nhạc Tiểu học hiện đại” vào giảng dạy trong nhà trường là hết sức cần thiết. 
II/ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:
1.Đặc điểm tình hình:
1.1/ Thuận lợi:
Luôn được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát và hỗ trợ kịp thời từ Ban giám hiệu nhà trường. 
Giáo viên Âm nhạc có chuyên môn, nhiệt tình và biết sử dụng thành thạo các loại đàn như: đàn organ, đàn piano, đàn ghita
Đa số học sinh rất ham thích giờ học Âm nhạc. 
Cơ sở vật chất của nhà trường cơ bản đáp ứng cho việc dạy, học môn âm nhạc.
Đa phần cha mẹ học sinh luôn quan tâm đến việc học của con em của mình. 
1.2/ Khó khăn: 
Trường chưa có phòng Âm nhạc.
Sĩ số học sinh trong lớp khá đông (45 học sinh/ lớp) nên cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng học tập nhất là giờ thực hành. 
2.Một số phương pháp dạy âm nhạc Tiểu học hiện đại:
Để cho học sinh có một tiết học Âm nhạc hứng thú, có niềm vui khi học hát, nghe nhạc, đồng thời giáo dục cho học sinh năng lực cảm thụ âm nhạc, kích thích tiềm năng nghệ thuật của các em, để các em hướng tới cái tốt, cái đẹp nhằm góp phần làm thư giãn đầu óc, làm cân bằng các nội dung học tập khác, giáo viên cần sử dụng một số phương pháp dạy Âm nhạc Tiểu học hiện đại như sau:
2.1/ Ứng dụng Công nghệ thông tin vào dạy học Âm nhạc.
a) Bản chất:
Ngày nay, khi thời đại 4.0 lên ngôi thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực là một điều tất yếu và trong lĩnh vực giáo dục đào tạo cũng vậy. Công nghệ thông tin trong trường học trong nhiều năm qua được đẩy mạnh và từng bước nâng cao chất lượng dạy học, góp phần thực hiện đổi mới phương pháp giáo dục.
b) Ưu điểm:
Việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp tiết học sinh động hơn. Giáo viên ít phải đàn mẫu, hát mẫu. Học sinh hứng thú, sôi nổi học tập và được cung cấp nhiều thông tin, hình ảnh, video trực quan về nội dung bài học hơn. Qua những hình ảnh, đoạn video, các em bộc lộ cảm xúc, tư duy của mình rõ hơn.
c) Hạn chế:
Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng tốn khá nhiều thời gian để giáo viên tìm tòi, sưu tầm tranh, ảnh, nhạc. Bên cạnh đó giáo viên phải thành thạo tin học, nắm vững các phần mềm hỗ trợ để soạn bài giảng điện tử (PowerPoint, ActvInspire, Encore, Chỉnh sửa âm thanh). Và tất nhiên phải có thiết bị, phương tiện như: Laptop, tivi, máy chiếu). Trường hợp mất điện – sẽ không thực hiện được.
d) Lưu ý:
Không quá lạm dụng công nghệ thông tin. Hình ảnh, video, file nhạc cần được chọn lọc kĩ. Những thông tin sưu tầm trên internet phải có nguồn rõ ràng. Chuẩn bị chu đáo trang thiết bị, tránh để học sinh chờ đợi, đặc biệt là các tiết dự giờ, thao giảng. Giáo viên luôn chuẩn bị trước cho trường hợp mất điện, trục trặc kĩ thuật. 
e) Ví dụ:
Tiết dạy bài hát Gà gáy ( Âm nhạc lớp 3). Với ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp các em xem được vị trí địa lý, phong cảnh, người dân, trang phục, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Cống (Lai Châu). Qua đó các em sẽ hiểu rõ hơn và thêm yêu quê hương đất nước. 
Tiết 6 (Âm nhạc lớp 4) Giới thiệu một vài nhạc cụ dân tộc. Các em sẽ được xem nhiều hình thức biểu diễn cũng như âm thanh của một số nhạc cụ dân tộc. Chắc chắn các em sẽ thích thú, tiết học sẽ lôi cuốn và bổ ích hơn.
2.2/ Sử dụng nhạc cụ trong dạy học Âm nhạc.
a) Bản chất:
Nhạc cụ là loại phương tiện đặc trưng, cần thiết và hay được sử dụng nhất trong dạy học Âm nhạc. Thông thường, giáo viên sử dụng một vài nhạc cụ trong số nhiều loại nhạc cụ như: đàn phím điện tử, ghi-ta, sáo recorder, kèn pianika (melodion), nhạc cụ gõ (thanh phách, song loan, trống cơm, trống con, trống lắc, mõ) và nhiều loại khác, có thể là nhạc cụ dân tộc.
b) Ưu điểm:
Sử dụng phương pháp này sẽ chuẩn xác về cao độ. Hạn chế được phương pháp truyền khẩu. Nâng, hạ cao độ bài hát cho phù hợp với tầm cỡ giọng của học sinh và tạo được sự hứng thú cho các em.
c) Hạn chế:
Thực sự gây khó khăn cho giáo viên chưa quen với việc sử dụng nhạc cụ, bất tiện khi di chuyển, dễ hư hao. Giáo viên dễ bị chi phối, khó bao quát lớp.
d) Lưu ý:
Cần chọn điệu, tiếng, tốc độ phù hợp với từng bài hát. Tránh đệm đàn to hơn tiếng hát. Cần thành thạo bài đàn để dễ quan sát lớp. Những bài hát dân ca, nếu đưa nhạc cụ dân tộc vào bài dạy thì quá tuyệt vời, học sinh sẽ được trải nghiệm thêm các loại nhạc cụ dân tộc, thêm yêu làn điệu dân ca, yêu quê hương đất nước.
e) Ví dụ:
Các bài Tập đọc nhạc lớp 4, 5 nên sử dụng nhạc cụ để học sinh đọc chính xác cao độ.
Bài Lí cây xanh ( Âm nhạc lớp 1), sử dụng thêm đàn tranh vào bài dạy để học sinh nghe được âm sắc, trải nghiệm được một loại nhạc cụ dân tộc.
2.3/Phương pháp cảm thụ âm nhạc.
a) Bản chất:
Cảm thụ âm nhạc là thưởng thức và cảm nhận những giá trị nổi bật, những điều sâu sắc,đẹp đẽ của âm nhạc, được thể hiện trong tác phẩm hoặc một bộ phận của tác phẩm. Từ đó học sinh biểu lộ thái độ và cảm xúc bằng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ cơ thể.
b) Ưu điểm:
Phương pháp này kích thích sự sáng tạo của học sinh, tạo sự hứng thú cho các em. Tăng khả năng biểu lộ tình cảm, cảm xúc của học sinh. Giúp học sinh vận động, giải phóng cơ thể, làm tăng khả năng đánh giá, nhận xét. Cũng như bước đầu giúp các em cảm nhận, phân biệt được sự khác biệt trong từng thuộc tính âm nhạc.
c) Hạn chế:
Dễ gây ồn, cần có trang thiết bị cho học sinh nghe nhạc. Lớp học quá đông sẽ khó sử dụng phương pháp này.
d) Lưu ý:
Phương pháp này tạo sự hưng phấn, kích thích sự sáng tạo của học sinh nên việc ồn là không thể tránh khỏi. Học sinh có thể ồn vài phút (nhưng đừng ồn quá). Nếu trường có trang bị đàn Organ Casio LK-55VN (Hệ thống giáo dục Việt Nam) sẽ có sẵn một số bài trong chương trình. Giáo viên cần chuẩn bị một số động tác vận động, minh họa, phòng trường hợp học sinh không thể sáng tạo. Động tác, vận động của học sinh không cần đẹp.
e) Ví dụ:
*Trước khi học bài hát mới, giáo viên cho học sinh nghe mẫu và mời các em đứng lên vận động theo cảm nhận của mình. Giáo viên có thể làm mẫu 1 lần, lần 2 các em tự sáng tạo.
*Sau khi học xong bài hát hoặc tiết ôn bài hát, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh múa minh họa cho bài hát (múa đơn – nhóm). Hoặc cho các em tự sáng tạo bài múa.
2.4/ Phương pháp Bộ gõ cơ thể.
a) Bản chất:
Cơ thể chính là nhạc cụ ban đầu trong hoạt động dạy học Âm nhạc, giúp học sinh trải nghiệm âm nhạc thông qua vận động, để tạo ra âm thanh và nhịp điệu. Cũng như các nhạc cụ bộ gõ khác, phát ra âm thanh bằng cách chạm, vỗ vào nhạc cụ. Âm thanh bộ gõ cơ thể được tạo ra bởi tiếng vỗ tay (clapping), búng ngón tay (snapping), vỗ chân (tapping), và dậm chân (stamping), hoặc có thể biến đổi để tạo ra vô số âm thanh khác nhau.
b) Ưu điểm:
Tạo sự hứng thú cho học sinh. Kích thích sự sáng tạo của học sinh. Bước đầu giúp các em làm quen với nhạc cụ. Dễ phát hiện được những học sinh có năng khiếu.
c) Hạn chế:
Là phương pháp mới nên giáo viên và học sinh khó tiếp cận. Các em khó có thể vừa hát vừa sử dụng bộ gõ cơ thể và dễ gây ồn.
d) Lưu ý: 
Giáo viên nên làm mẫu cùng hướng với học sinh. Giáo viên hát hoặc mở nhạc để hỗ trợ học sinh khi học sinh sử dụng bộ gõ cơ thể. Mức độ, độ khó phải phù hợp với khả năng của từng lớp. Chấp nhận việc ồn (tuy nhiên đừng ồn quá).
e) Ví dụ:
2.5/ Phương pháp đọc nhạc theo kí hiệu bàn tay.
a) Bản chất:
Đọc nhạc theo kí hiệu bàn tay (Hand Sign) là dùng bàn tay tạo ra những kí hiệu thay thế cho nốt nhạc trên khuông nhạc (mỗi nốt nhạc được kí hiệu bằng dấu tay). Đọc nhạc bằng kí hiệu bàn tay mang lại một cái nhìn trực quan cho học sinh gián tiếp học nốt nhạc thông qua các kí hiệu của bàn tay. Đây là cách tiếp cận tốt trong việc dạy nốt nhạc cho học sinh khi mới bắt đầu làm quen với âm nhạc.
b) Ưu điểm:
Giúp các em dễ dàng nhận biết, đọc nốt nhạc khi mới làm quen với đọc nhạc. Tránh sự nhàm chán khi bước đầu làm quen với đọc nhạc. Học sinh có thể tự sáng tạo giai điệu.
c) Hạn chế:
Chỉ sử dụng để đọc cao độ, không thích hợp với các tiết tấu nhanh, phức tạp. Là phương pháp mới, rất khó để giáo viên tiếp cận và dễ gây ồn.
d) Lưu ý:
Theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Âm nhạc 2018, đọc nhạc theo kí hiệu bàn tay chỉ sử dụng với lớp 1, 2, 3, từ lớp 4 trở lên sẽ đọc theo kí hiệu ghi nhạc. Là phương pháp sẽ phải áp dụng trong thời gian tới. Khi hướng dẫn học sinh, giáo viên nên đọc đúng cao độ.
e) Ví dụ: Hướng dẫn học sinh nốt Đô, Rê, Mi bằng kí hiệu bàn tay, sau đó cho các em chơi trò chơi “Nhạc sĩ tương lai”: 1 học sinh lên làm kí hiệu bàn tay cho cả lớp đọc, các em có thể tự do làm giai điệu riêng cho mình.
3. Kết quả đạt được:
Sau một thời gian áp dụng các phương pháp dạy học âm nhạc hiện đại, kết quả đạt được rất khả quan: Học sinh thích thú, mong chờ tiết học Âm nhạc. Đa số các em hát đúng cao độ, trường độ, sắc thái. Học sinh cũng tự tin hơn khi thể hiện bài hát, các em hoàn toàn có thể đọc nhạc bằng kí hiệu bàn tay. Đa số học sinh lớp 4,5 đọc được nốt nhạc đúng tên, cao độ, trường độ đồng thời các em rất hăng hái tham gia các hoạt động văn nghệ trong ngoài nhà trường.
III/ KẾT LUẬN: 
Việc đổi mới giáo dục phổ thông nói chung và đổi mới giáo dục Âm nhạc nói riêng, hiện nay còn nhiều điểm cần phải chỉnh sửa và thống nhất trước khi chương trình giáo dục phổ thông chính thức ban hành nhưng xét về mặt tích cực, chương trình đã thực sự đã có một cuộc “cách mạng” trong việc đổi mới về giáo dục, đặc biệt là môn Âm nhạc. Thông qua chương trình giáo dục Âm nhạc lần này có thể thấy tầm quan trọng của việc giáo dục Âm nhạc trong trường phổ thông đã nâng tầm ngang hàng với các bộ môn khác và tiếp cận với các nền giáo dục Âm nhạc tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, việc đổi mới sẽ có những cơ hội, thách thức không nhỏ cho hoạt động dạy học của giáo viên, đòi hỏi giáo viên phải biết đổi mới tư duy tiếp cận Âm nhạc và học hỏi các phương pháp giáo dục Âm nhạc tiên tiến mà chương trình đã đề ra. 
Với bài tham luận này sẽ phần nào gợi mở cho giáo viên Âm nhạc hướng tiếp cận các phương pháp mới giúp hoạt động dạy và học Âm nhạc đạt hiệu quả cao. 
 Củ Chi, ngày 18 tháng 10 năm 2018
 TM.TỔ BỘ MÔN ÂM NHẠC
 GIÁO VIÊN ÂM NHẠC
 NGUYỄN HOÀNG PHÚC 

File đính kèm:

  • docde_tai_mot_so_phuong_phap_day_am_nhac_tieu_hoc_hien_dai.doc