Tập rèn kĩ năng dẫn chứng trong văn nghị luận cho học sinh
Có thể nói việc tập rèn luyện kĩ năng dẫn chứng sẽ từng bước góp phần giúp học sinh (HS) làm văn nghị luận ngày một tốt hơn. HS là bó đuốc sẵn sàng bốc cháy, thầy châm vào đó một đốm lửa nhỏ song bó đuốc có thể từ đó mà bùng lên thành ngọn lửa và ánh sáng toả chiếu rạng ngời. Nếu người thầy biết khơi gợi, giải thích, tìm ra cách học cho HS, đồng thời biết yêu cầu vừa phải đối với HS, thì từ những nhận thức và năng lực đầu tiên còn nhỏ bé, HS có thể nhanh chóng và phấn khởi vươn lên trình độ cao. Tri thức văn hoá và khoa học bao giờ cũng là tiếng gọi từ trên cao, những tiếng gọi đầy sức quyến rũ và hấp dẫn để HS nô nức tiến lên, thậm chí bay lên. Sứ mệnh của các thầy cô giáo sở dĩ cao quý là vì họ là những người khơi gợi nguồn say mê tìm tòi, sáng tạo nơi HS. Không cần các thầy cô giáo phải là những bậc tài năng lỗi lạc để làm công việc đó. Chỉ cần họ cũng là những người luôn luôn cố gắng và say mê tìm tòi, sáng tạo trong những nhiệm vụ giảng dạy bình thường của mình thì cũng sẽ có tác động mạnh mẽ và tốt đẹp đối với HS
Tóm tắt nội dung tài liệu: Tập rèn kĩ năng dẫn chứng trong văn nghị luận cho học sinh
TẬP RÈN KĨ NĂNG DẪN CHỨNG TRONG VĂN NGHỊ LUẬN CHO HỌC SINH Có thể nói việc tập rèn luyện kĩ năng dẫn chứng sẽ từng bước góp phần giúp học sinh (HS) làm văn nghị luận ngày một tốt hơn. HS là bó đuốc sẵn sàng bốc cháy, thầy châm vào đó một đốm lửa nhỏ song bó đuốc có thể từ đó mà bùng lên thành ngọn lửa và ánh sáng toả chiếu rạng ngời. Nếu người thầy biết khơi gợi, giải thích, tìm ra cách học cho HS, đồng thời biết yêu cầu vừa phải đối với HS, thì từ những nhận thức và năng lực đầu tiên còn nhỏ bé, HS có thể nhanh chóng và phấn khởi vươn lên trình độ cao. Tri thức văn hoá và khoa học bao giờ cũng là tiếng gọi từ trên cao, những tiếng gọi đầy sức quyến rũ và hấp dẫn để HS nô nức tiến lên, thậm chí bay lên. Sứ mệnh của các thầy cô giáo sở dĩ cao quý là vì họ là những người khơi gợi nguồn say mê tìm tòi, sáng tạo nơi HS. Không cần các thầy cô giáo phải là những bậc tài năng lỗi lạc để làm công việc đó. Chỉ cần họ cũng là những người luôn luôn cố gắng và say mê tìm tòi, sáng tạo trong những nhiệm vụ giảng dạy bình thường của mình thì cũng sẽ có tác động mạnh mẽ và tốt đẹp đối với HS. 1. Thế nào là dẫn chứng (DC) ? Nội dung của văn nghị luận (VNL) được tạo nên bởi những lí lẽ và DC. Cả hai cùng có một mục đích là làm sáng tỏ luận điểm ( LĐ). DC có thể là những con người, sự vật, sự việc, tục ngữ, danh ngôn, câu văn, câu thơ, câu chuyện, những lời nhận xét đánh giá... lấy từ trong sử sách hay trong cuộc sống mà người viết đưa vào bài làm nhằm chứng minh, giải thích, phân tích, bình giá cho một LĐ. Các cụ xưa có câu “Nói có sách, mách có chứng”, còn Gam-za-tốp thì lại nói “Kẻ ngu si làm kinh ngạc bằng tiếng gào, người thông minh làm kinh ngạc bằng những câu tục ngữ dẫn ra đúng chỗ”. Bài văn có sức sống, lập luận trở nên sắc sảo, có sức thuyết phục là nhờ DC. Vì vậy, trong một bài văn hoặc đoạn văn NL không thể không chú ý tới DC trong quá trình viết. 2. Phân loại DC Theo Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh trong “Muốn viết được bài văn hay”, DC trong văn NL thường có hai loại: - DC bắt buộc là DC nằm trong phạm vi yêu cầu của đề về tư liệu. - DC mở rộng là DC ngoài phạm vi trên do người viết viện dẫn để liên hệ, đối chiếu, so sánh nhằm làm sáng tỏ thêm ý đang được bàn bạc. Ví dụ: Để phân tích bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh, người viết nêu DC bắt buộc lấy từ bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh. Tuy vậy, trong quá trình viết, người viết có thể liên hệ với nhiều nhà thơ khác cùng viết về mùa thu để so sánh, đối chiếu, làm nổi rõ những nét đặc sắc của mùa thu trong thơ Hữu Thỉnh, chẳng hạn liên hệ các câu thơ thu của Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh... 3. Cách sử dụng DC Có DC phong phú nhưng không biết cách sử dụng chúng thì hiệu quả cũng không cao. Muốn đạt hiệu quả trong việc dùng DC, chúng ta cần nắm vững những nguyên tắc, những yêu cầu sau đây: a. Cách đưa DC Gồm các bước: +Giới thiệu DC (dẫn dắt để đưa DC vào); +Nêu DC; +Phân tích DC. DC nên được phân tích, bình giảng (vừa đủ) để cho người đọc thấy được chiều sâu, chiều rộng, cái hay, cái đẹp của DC; cũng như thấy được ý nghĩa khía cạnh cần chứng minh nhằm tăng thêm sức thuyết phục trong việc làm sáng tỏ LĐ, luận đề. b.Trình bày DC Thông thường có một số cách sau: * Nêu vấn đề phân tích trước rồi đưa DC minh họa. Ví dụ: Hai câu cuối cùng (của bài ca dao “Sáng ngày em đi hái dâu” –MVN ) phản ánh rất rõ sự bình tĩnh, khôn khéo, thông minh, đồng thời cũng phản ánh niềm tự hào, tự trọng qua thái độ nhã nhặn, lịch sự của cô gái, khiến cho các chàng trai bị khước từ đau điếng mà không biết trách cứ vào đâu được: Thưa rằng: “Bác mẹ em răn Làm thân con gái chớ ăn trầu người” (Hoàng Tiến Tựu, Bình giảng ca dao) * Người viết giới thiệu, nêu DC rồi sau đó phân tích – bình giảng DC. Ví dụ: [...]. Người đọc thích thú với cấu trúc đối tự nhiên, chặt chẽ và tuyệt đẹp như trong thơ cổ điển: Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã Dòng sông không cuồn cuộn dữ dội và gấp gáp như trong những ngày mưa lũ mùa hạ. Sông êm ả, dềnh dàng, sông đang lắng lại, đang trầm xuống trong lững lờ như ngẫm nghĩ, suy tư. Tương phản với sông, chim lại bắt đầu vội vã. Hơi thu lạnh làm cho chúng phải khẩn trương chuẩn bị cho chuyến bay tránh rét. Ta thường chỉ chú ý vào sự “vội vã” đối rất đẹp với sự “dềnh dàng”. Xin chớ quên từ “bắt đầu” rất độc đáo ở đây. Bắt đầu vội vã thôi, chứ chưa phải là đang vội vã. Phải tinh tế lắm mới có thể nhận ra sự “bắt đầu” này trong những cánh chim bay. (Cũng như Huy Cận phải tinh tế lắm mới nhận thấy “trọng lượng” của bóng chiều rơi xuống cánh chim làm cho nó chao nghiêng “chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”). (Vũ Nho, Đi giữa miền thơ, NXB Văn học, 1999) * Liệt kê các DC cho một ý đã giới thiệu để tự DC tô đậm cho những điều cần nói mà không cần phân tích giảng giải. Ví dụ: Ở đây là mâu thuẫn giữa mối tình vô hạn, sâu sắc và khát vọng hạnh phúc vô hạn, mãnh liệt “muôn vàn ái ân” với một sự đổ vỡ không có gì cứu vãn nổi: - Trâm gãy bình tan; - Tơ duyên ngắn ngủi; - Phận bạc như vôi; - Nước chảy hoa trôi; - Thiếp đã phụ chàng. (Đặng Thanh Lê, Giảng văn Truyện Kiều) * Người viết giới thiệu, làm rõ ý nghĩa nội dung của DC rồi nêu DC, sau đó lại tiếp tục phân tích – bình giảng làm rõ thêm nhằm khắc sâu chủ đề cần chứng minh. Ví dụ: Trong khổ thơ này, mùa thu được khẳng định bằng đoán nhận, bằng kinh nghiệm, bằng sự suy ngẫm chứ không phải cảm nhận trực tiếp như hai khổ thơ trước. Mùa thu không được quan sát từ gần ra xa, từ thấp lên cao mà thu đang từ từ thu vào trong tâm tưởng, đang lắng lại trong suy tư: Vẫn còn bao nhiêu nắng Đã vơi dần cơn mưa Sấm cũng bớt bất ngờ Trên hàng cây đứng tuổi. Vẫn là nắng, mưa, sấm chớp, bão giông như mùa hạ, nhưng mức độ đã khác rồi. Để ý sẽ thấy cái gì cũng bắt đầu đi vào chừng mực, vào thế ổn định. Đâu phải là ngẫu nhiên mà mấy từ “cây đứng tuổi” lại đứng ngự vào chỗ kết thúc của bài thơ, vốn là một chỗ cực kì quan trọng ? Phải chăng cái “đứng tuổi” của cây là một cái chốt cửa để qua đó ta mở sang một thế giới khác, thế giới sang thu của hồn người ? Vẻ chín chắn, điềm tĩnh của cây trước sấm sét, bão giông vào lúc sang thu hay đó chính là sự từng trải, chín chắn của con người sau những bão táp của cuộc đời ? Ngược trở lên hai khổ thơ trước, ta bỗng hiểu vì sao lại có sự “chùng chình”, bịn rịn lúc sang thu, vì sao vừa có sự “dềnh dàng” lại vừa có sự “vội vã”. Thì ra, trước mắt việc đi mãi, ngoảnh đầu thu đến rồi. Bốn mùa luân chuyển vô hình, lặng lẽ, bỗng chợt thu. Đời người vất vả, tất bật, bận rộn, lo toan đôi lúc “quên cả vừng trăng, lạc cả mùa” (Tô Hà) bỗng chốc thấy mái đầu pha sương, tuổi đứng ở mức tứ tuần, sững sờ mình cũng đã “sang thu”. Ở vào cái tuổi ấy, con người không còn bồng bột, sôi nổi, ào ạt, băng băng như thời thanh niên. Con người sâu sắc thêm, chín chắn thêm. Chín chắn đến tận cách cảm xúc và biểu đạt. Nếu là một ai khác, nếu ở thời điểm khác, khi đã nhận ra hương, ra gió, ra sương thu, sẽ có thể kêu lên, sẽ có thể reo lên: “Ôi ! Mùa thu đã về”, hoặc: “ A ! Mùa thu đã về” nhưng tác giả “Sang thu” chỉ thầm nhận xét vừa mơ hồ vừa nghi hoặc: “Hình như thu đã về”. (Vũ Nho, Đi giữa miền thơ, NXB Văn học, 1999) * DC lẫn trong lời văn của người viết tạo thành một mạch hoàn chỉnh, thể hiện ý định nói. Ví dụ: Ai có ngờ đâu, chỉ “qua năm sau” thôi, tất cả đều tan vỡ. Thay cho trăng, cho liễu, cho “cánh hồng bay bổng” và “mối tình muôn dặm quan san”, chỉ còn là nghi ngờ, la lối, mắng nhiếc và đánh đuổi. Công lao nuôi con, chờ chồng vô ích, tới mức người vợ biết rằng mình “đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu”. (Đỗ Kim Hồi, Phân tích – bình giảng Tác phẩm văn học 9) 4. Dạng bài tập rèn kĩ năng DC Dạng 1: Chỉ ra đâu là luận cứ (LC) lí lẽ, đâu là LC DC Ví dụ: Cho đoạn văn (ĐV), hãy chỉ ra LC lí lẽ và LC dẫn chứng. Dạng 2: Xác định loại DC (DC bắt buộc, DC mở rộng) Ví dụ: Chỉ ra DC bắt buộc và DC mở rộng trong các ĐV sau: [...]. Người đọc thích thú với cấu trúc đối tự nhiên, chặt chẽ và tuyệt đẹp như trong thơ cổ điển: Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đầu vội vã Dòng sông không cuồn cuộn dữ dội và gấp gáp như trong những ngày mưa lũ mùa hạ. Sông êm ả, dềnh dàng, sông đang lắng lại, đang trầm xuống trong lững lờ như ngẫm nghĩ, suy tư. Tương phản với sông, chim lại bắt đầu vội vã. Hơi thu lạnh làm cho chúng phải khẩn trương chuẩn bị cho chuyến bay tránh rét. Ta thường chỉ chú ý vào sự “vội vã” đối rất đẹp với sự “dềnh dàng”. Xin chớ quên từ “bắt đầu” rất độc đáo ở đây. Bắt đầu vội vã thôi, chứ chưa phải là đang vội vã. Phải tinh tế lắm mới có thể nhận ra sự “bắt đầu” này trong những cánh chim bay. (Cũng như Huy Cận phải tinh tế lắm mới nhận thấy “trọng lượng” của bóng chiều rơi xuống cánh chim làm cho nó chao nghiêng “chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”). (Vũ Nho, Đi giữa miền thơ, NXB Văn học, 1999) Dạng 3: Tìm DC mở rộng bổ sung cho DC bắt buộc. Ví dụ: Viết ĐVNL nêu cảm nhận của em về các câu thơ trong bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên, có đưa DC mở rộng vào ĐV: À ơi ! Một con cò thôi, Con cò mẹ hát Cũng là cuộc đời Vỗ cánh qua nôi. 5. Yêu cầu đối với DC - Cần chú ý tỉ lệ giữa DC và lí lẽ sao cho phù hợp. Nếu chỉ có lí lẽ (DC quá ít), bài văn NL sẽ trở nên khô khan, tạo cảm giác nặng nề cho người đọc. Trái lại nếu bài NL chỉ toàn DC (lí lẽ quá ít) sẽ trở nên hời hợt và nhạt nhẽo gây cho người đọc cảm giác bài viết rỗng, thiếu sâu sắc. Như vậy, phải kết hợp được cả hai yếu tố này một cách thuần thục, cơ động. Giữa lí lẽ và DC phụ thuộc vào từng nội dung của vấn đề cần NL. - Tuỳ theo yêu cầu thực tế của đoạn văn, bài văn mà DC và trình bày DC sao cho hợp lí. Người làm văn NL phải luôn linh hoạt và sáng tạo. - Về lượng, DC phải đầy đủ, toàn diện và vừa phải; về chất, DC phải chọn lọc, chính xác, tiêu biểu. - Phải tôn trọng và tập trung vào những DC bắt buộc, tránh tình trạng DC mở rộng lại nhiều hơn, coi trọng hơn làm át cả DC bắt buộc. - Người viết có thể trình bày DC theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên nên trình bày xen kẽ các cách phù hợp với sự phát triển của bài văn để tạo cho người cho người đọc cái cảm giác, cái ấn tượng bài văn của mình như một dòng chảy liên tục, không đơn điệu, trùng lặp, nhàm chán. - Giữa trích dẫn DC và lời người viết phải luôn gắn kết nhuần nhuyễn, tự nhiên thì mới đem lại hiệu quả thẩm mỹ cao. MAI VĂN NĂM ( Trường THCS Phan Châu Trinh Thăng Bình, Quảng Nam)
File đính kèm:
- tap_ren_ki_nang_dan_chung_trong_van_nghi_luan_cho_hoc_sinh.docx