100 Đề và bài Ngữ văn Lớp 9

ĐỀ SỐ 1

Theo em, Phong cách Hồ Chí Minh có phải là một văn bản thuyết minh không ? Vì sao ?

DÀN Ý

I. Mở bài

- Phong cách Hồ Chí Minh vận dụng kết hợp nhiều phương thức biểu đạt, trong đó thuyết minh là phương thức biểu đạt chính.

- Bài viết giúp người đọc hiểu được phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, thanh cao và giản dị.

II. Thân bài

Tính chất thuyết minh của Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện ở những khía cạnh sau :

1. Đối tượng thuyết minh của bài là một vấn đề trừu tượng: phong cách của Bác Hồ. Vẻ đẹp trong phong cách của Bác được trình bày rõ trên hai phương diện cơ bản :

a) Bác luôn tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại để tạo nên một nhân cách, một lối sống rất Việt Nam, rất phương Đông nhưng cũng rất mới, rất hiện đại.

b) Bác có lối sống vô cùng giản dị nhưng lại rất thanh cao, tiêu biểu cho nét đẹp trong lối sống của dân tộc Việt Nam.

 

doc 125 trang phuongnguyen 23481
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "100 Đề và bài Ngữ văn Lớp 9", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: 100 Đề và bài Ngữ văn Lớp 9

100 Đề và bài Ngữ văn Lớp 9
100 đề và bài ngữ văn lớp 9
đề số 1
Theo em, Phong cách Hồ Chí Minh có phải là một văn bản thuyết minh không ? Vì sao ?
Dàn ý
I. Mở bài
- Phong cách Hồ Chí Minh vận dụng kết hợp nhiều phương thức biểu đạt, trong đó thuyết minh là phương thức biểu đạt chính.
- Bài viết giúp người đọc hiểu được phong cách Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và nhân loại, thanh cao và giản dị.
II. Thân bài
Tính chất thuyết minh của Phong cách Hồ Chí Minh thể hiện ở những khía cạnh sau :
1. Đối tượng thuyết minh của bài là một vấn đề trừu tượng: phong cách của Bác Hồ. Vẻ đẹp trong phong cách của Bác được trình bày rõ trên hai phương diện cơ bản : 
a) Bác luôn tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại để tạo nên một nhân cách, một lối sống rất Việt Nam, rất phương Đông nhưng cũng rất mới, rất hiện đại. 
b) Bác có lối sống vô cùng giản dị nhưng lại rất thanh cao, tiêu biểu cho nét đẹp trong lối sống của dân tộc Việt Nam.
2. Phong cách Hồ Chí Minh được trình bày, giới thiệu một cách chính xác, khách quan bằng những dẫn chứng, tư liệu cụ thể, xác thực, không phải do hư cấu, do tưởng tượng mà ra.
3. Bài viết đã sử dụng các phương pháp của văn bản thuyết minh như : phương pháp phân loại, phân tích (các khía cạnh, các phương diện, các biểu hiện của vẻ đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh về văn hoá, lối sống...); phương pháp liệt kê (những nơi Bác đã qua như châu Phi, châu á, châu Mĩ, châu Âu; những ngoại ngữ mà Người thành thạo (tiếng Pháp, Anh, Hoa, Nga...); phương pháp so sánh (lối sống giảng dị của Bác với các vị hiền triết Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm)...
4. Bài viết có sử dụng các yếu tố nghệ thuật như kể chuyện, bình luận, nghệ thuật đối lập, văn viết có cảm xúc, nhưng tất cả những yếu tố này chỉ có vai trò phụ trợ. Nội dung giá trị cơ bản của văn bản này vẫn là những tri thức xác thực, khách quan về phong cách Hồ Chí Minh.
III. Kết bài
- Phong cách Hồ Chí Minh là một văn bản nhật dụng, thuyết minh là một trong những phương thức biểu đạt chính.
- Bài viết đã giúp người đọc hiểu được vẻ đẹp phong cách Bác Hồ là sự kết hợp hài hoà giữa bản sắc văn hoá dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại, là sự giản dị một cách thanh cao. 
- Bài viết làm cho chúng ta thêm tự hào, kính yêu Bác, khơi gợi ở chúng ta ý nguyện học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo gương của Bác.
đề số 2
Dựa vào văn bản Phong cách Hồ Chí Minh, kênh hình trang 6 (Ngữ văn 9 - Tập I) và những hiểu biết của em, em hãy viết một văn bản thuyết minh có sử dụng các biện pháp nghệ thuật để giới thiệu về nơi ở và làm việc của Bác tại phủ Chủ tịch.
I. Tìm hiểu đề
- Kiểu bài : Thuyết minh có sử dụng các biện pháp nghệ thuật.
- Yêu cầu : Thuyết minh, miêu tả, giới thiệu nơi ở và làm việc của Bác, chủ yếu là ngôi nhà sàn nơi Bác ở. 
 II. Dàn ý
A. Mở bài
- Nếu có dịp được đến Hà Nội, vào lăng viếng Bác, bạn hãy đừng quên viếng thăm ngôi nhà sàn đơn sơ nhỏ bé, nơi vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống và làm việc nhiều năm ở đó.
- Đến đây, bạn sẽ thêm hiểu, thêm tự hào và kính yêu một con người vĩ đại mà vô cùng bình dị đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một huyền thoại.
B. Thân bài
1. Địa điểm, không gian: Nơi ở và làm việc của Bác nằm giữa một khuôn viên yên tĩnh thơm ngát hương hoa. 
a) Trước nhà Bác ở là một cái hồ thả cá. Một hàng rào râm bụt chạy quanh trước ngõ như ở quê nhà Nghệ An của Bác. Bác sống hoà mình với thiên nhiên, với đất trời, với quê hương. 
b) Xung quanh nhà Bác trồng rất nhiều loài cây và hoa. Hoa cam, hoa bưởi tháng ba thơm ngào ngạt; hàng dừa xoè bóng mát trên những lối đi; cây vú sữa, quà của đồng bào miền Nam tặng Bác được trồng ở hiên sau nhà; góc vườn trước nhà, bốn mùa rau nối nhau tươi tốt. 
2. Hình dáng ngôi nhà : Nơi Bác ở và làm việc là một ngôi nhà gác nhỏ được thiết kế như kiểu nhà sàn của đồng bào Việt Bắc. Nhà làm bằng gỗ, mái lợp ngói, bốn bề lộng gió. 
3. Diện tích sử dụng : Khoảng hơn 70 m2. Ngôi nhà sàn đó chỉ có vẻn vẹn vài phòng để tiếp khách, họp Bộ Chính trị, làm việc và ngủ. 
4. Đồ đạc trong nhà hết sức mộc mạc, đơn sơ : 
a) Phòng họp, phòng tiếp khách chỉ có một bộ bàn ghế, lọ hoa, bộ ấm chén uống nước. 
b) Phòng làm việc có một bộ bàn ghế nhỏ, một chiếc máy chữ, một chiếc đài phát thanh Liên Xô cũ để Bác nghe tin tức, đặc biệt tin từ miền Nam và giúp Bác đỡ cảm thấy cô quạnh trong đêm vắng...
c) Đến thăm phòng ngủ của Bác càng thương Bác hơn: chiếc giường nhỏ bằng gỗ thường, mộc mạc không mùi sơn, trên trải chiếu cói, một chiếc gối vải đã sờn cũ. Trên gối, chiếc quạt nan nằm lặng lẽ. Chiếc quạt nan này đã từng thức cùng vị Chủ tịch trong bao đêm hè oi ả, lòng nặng những lo toan việc nước. Góc phòng, bộ quần áo kaki bạc màu giản dị được treo gọn gàng trên móc áo. Trên ngực áo không có một tấm huân chương, nhưng bên trong lần áo vải là một trái tim nóng bỏng, sáng ngời. Dưới chân giường, đôi dép cao su mòn gót xếp ngay ngắn. Đôi dép ấy đã từng theo chân Bác đi suốt ngàn dặm đường đất nước. 
5. Bác sống ở đó, một mình, với một tư trang ít ỏi, một chiếc vali con với vài vật kỉ niệm của một cuộc đời dài, rộng và bất tử.
C. Kết bài
- Nơi ở của Bác, vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, đơn sơ, giản dị như câu chuyện về một vị thần tiên trong thần thoại, cổ tích.
- Nơi ở của Người là do chính Người lựa chọn, sự lựa chọn ấy giúp chúng ta hiểu thêm phong cách Hồ Chí Minh, tinh hoa của dân tộc Việt Nam.
đề số 3
Em hãy đóng vai là những đồ dùng cá nhân của Bác tự giới thiệu về mình.
 Bài làm
Bác Hồ đã yên nghỉ, nhưng ngày ngày, dòng người vào lăng viếng Bác vẫn nối dài từ sáng đến chiều. Đến thăm nhà Bác ở, người ta trầm ngâm trước từng di vật đơn sơ, mộc mạc đã gắn bó với Bác trong suốt cả cuộc đời. Dường như đoán biết được ý nghĩ, lòng mong muốn của đồng bào, du khách, những đồ vật đã cất lên tiếng nói tự giới thiệu về mình để du khách hiểu thêm về Bác. Chúng ta hãy cùng nghe họ tự thuật nhé.
- Chúng tôi là những đồ dùng cá nhân của Bác Hồ. Chúng tôi được sống bên Bác, được phục vụ, chăm sóc Bác và được Bác yêu mến nâng niu như những đứa cháu nhỏ. Chúng tôi gồm : quần áo, giày dép, mũ nón... Chúng tôi sống rất hoà thuận, luôn bên nhau và luôn bên Bác.
Tôi thuộc dòng họ Quần áo. Họ hàng nhà chúng tôi có hai loại vải được Bác thường dùng là vải ka ki màu trắng đục và vải lụa màu nâu. áo ka ki cúc cài kín cổ, vạt buông, có bốn túi lớn, hai túi trên ngực và hai túi ở hai vạt trước. Anh chàng này thường được Bác mặc khi đi công tác ở nước ngoài, khi ngoại giao, tiếp khách, hoặc khi Bác đi dự những hội nghị, hội thảo quan trọng trong nước và quốc tế... Còn tôi, quần áo vải nâu, được may rộng như kiểu quần áo của bà con nông dân. Tôi được chăm sóc Bác thường xuyên hơn, được Bác mặc khi đi thăm đồng ruộng, gặp gỡ bà con nông dân, các bạn thiếu niên nhi đồng, lúc ở nhà, khi làm việc trong phòng riêng, lúc tưới cây... Bác thương yêu, nâng niu, đối xử với chúng tôi bằng tất cả tấm lòng của một Con Người. Có khi chúng tôi bị sờn rách, các cô chú phục vụ định thay áo mới cho Bác, Bác biết, Bác không chịu, Bác nói vải hãy còn mới hãy may vá lại cho Bác mặc. Chúng tôi cảm động đến nghẹn ngào trước tấm lòng và phong cách sống vô cùng giản dị của một vị lãnh tụ. 
 Tôi thuộc họ giày dép. Cùng với quần áo, tôi cũng rất vinh dự vì luôn được đi theo Bác. Tôi được làm bằng chất liệu cao su, màu đen, có 4 quai, hai quai chéo ở phía trên và hai quai ngang ở phía dưới. Họ hàng chúng tôi, hàng vạn hàng triệu đôi dép như thế đã từng theo bước những chiến sĩ, thanh niên xung phong chống Pháp rồi chống Mĩ trên khắp các chiến trường Nam Bắc. Riêng tôi sung sướng hơn là được ở bên Bác, phục vụ, chăm sóc Bác, được theo Bác đi trên mọi nẻo đường.
 Còn tôi là mũ lá. Chúng tôi tuy Bác dùng ít hơn, nhưng cũng là nhiều lắm đối với những ai không được ở bên Bác. Họ hàng nhà mũ chúng tôi cũng có hai loại: mũ cốt vải và mũ lá. Mũ cốt vải làm bằng vải kaki màu xanh hoặc màu trắng đục. Anh chàng này thường được Bác đội khi đi chiến dịch, khi thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ... Còn tôi, mũ lá được làm bằng lá cọ, lá nón. Tôi được Bác dùng khi đi xuống nhà máy, công xưởng, khi ra đồng cùng với bà con nông dân gặt lúa, tát nước chống hạn hoặc xuống biển với ngư dân kéo lưới... 
 Tôi nữa, tôi là khăn len. Tuy tôi chỉ được theo Bác vào mùa đông nhưng cũng được Bác nâng niu, yêu mến lắm. Tôi được dệt bằng sợi len, rộng chừng 30 cm, dài chừng 1,2m, hai đầu khăn thắt tua rua bay nhè nhẹ mỗi khi gió thổi. Nếu trời không giá rét quá, tôi được Bác quàng quanh cổ Bác. Trời lạnh, tôi được Bác choàng lên đầu. Tôi rất sung sướng vì được giúp ích cho Bác. 
Chúng tôi là những đồ vật rất bình thường, mộc mạc, đơn sơ, giản dị, nhưng Bác đã chọn chúng tôi. Không những thế, Bác còn yêu thương, gìn giữ, nâng niu chúng tôi. Điều đó làm chúng tôi vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Vì vậy, chúng tôi sống bên Bác, đem hơi ấm cho Người, bảo vệ Người khỏi những cơn thất thường của thời tiết, làm mềm sỏi đá dưới những nẻo đường bàn chân Người đi qua. Chúng tôi tuy nhỏ bé nhưng chúng tôi tự hào vì đã giúp ích cho Bác, góp phần làm nên một phong cách Hồ Chí Minh.
Khi vào thăm nhà Bác, đứng nhìn chúng tôi, nhiều người đã khóc. Chắc họ đang nghĩ đến Bác và cảm động trước tấm lòng bao la rộng lớn, lối sống giản dị thanh cao của Người.
đề số 4
Em hãy viết một bài văn giới thiệu phong cách Hồ Chí Minh dưới dạng cuộc đối thoại giữa một bạn học sinh trong nước và một bạn học sinh Việt kiều đang chuẩn bị vào lăng viếng Bác.
 Bài làm
Tại khuôn viên trước lăng Bác, có hai bạn học sinh, một bạn là Việt kiều mới về thăm quê vào lăng viếng Bác. Họ gặp nhau, làm quen với nhau và sau đây là câu chuyện thú vị giữa họ.
- Xin chào bạn !
- Chào bạn !
- Mình tên là H. , rất vui được làm quen với bạn.
- Mình tên là M. , rất vui được làm quen với bạn.
- Mình xa Việt Nam từ năm 2 tuổi, nay mới có dịp về thăm quê, được vào lăng viếng Bác. Mình rất muốn được hiểu thêm về Bác, về phong cách của Bác. M. có vui lòng làm hướng dẫn viên cho mình không?
- Mình rất sẵn lòng.
- Mình được biết, Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật tiêu biểu nhất của thế kỉ XX. Vậy bạn có thể nói rõ thêm cho mình biết về tầm vóc văn hoá của Bác được không ?
- Bác Hồ không những là một vị lãnh tụ thiên tài, nhà yêu nước, nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam mà còn là một nhà văn hoá lớn của thế giới thế kỉ XX. Hiếm có vĩ nhân nào trên thế giới đã hội tụ được danh hiệu Anh hùng dân tộc và Danh nhân văn hoá thế giới như UNESCO đã phong tặng Người. Phong cách của Bác là sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống và hiện đại; giữa dân tộc và nhân loại; uyên thâm nhưng lại rất Việt Nam; vĩ đại, thanh cao nhưng vô cùng giản dị. Vẻ đẹp văn hoá chính là nét nổi bật trong phong cách Hồ Chí Minh.
- Bạn nói, Bác Hồ là một danh nhân văn hoá thế giới, uyên thâm nhưng lại rất Việt Nam nghĩa là thế nào ? Vốn tri thức văn hoá sâu rộng của Bác đã được hình thành ra sao ?
- Trong cuộc đời yêu nước và hoạt động cách mạng của mình, Bác đã đi rất nhiều nơi, có dịp tiếp xúc với văn hoá nhiều nước, nhiều vùng trên thế giới, cả ở phương Đông và phương Tây. Bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước, trên những con tàu vượt trùng dương, Người đã ghé lại nhiều hải cảng, đã thăm các nước châu Phi, châu á, châu Mĩ. Năm 1911, Người đến Pháp, năm 1912 - 1913 Người sống ở Mĩ, từ 1913 - 1917 ở Anh và sau đó Người lại trở lại Pháp. Đến đâu, Người cũng ham mê tìm hiểu, học hỏi.
Để tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, con đường quan trọng đầu tiên là phải thông thạo ngoại ngữ. Người biết rất nhiều ngoại ngữ, nói và viết thạo nhiều thứ tiếng như tiếng Pháp, Anh, Hoa, Nga ... Người viết báo bằng tiếng Pháp, tiếng Trung, sáng tác truyện ngắn bằng tiếng Pháp, sáng tác thơ bằng tiếng Hán. Các tác phẩm nổi tiếng của Người như: Bản án chế độ thực dân Pháp - tác phẩm chính luận, các truyện ngắn Vi hành, Lời than vãn của Bà Trưng Trắc, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu, tập thơ Nhật kí trong tù... không chỉ có ý nghĩa chính trị, thời sự mà còn giàu giá trị nghệ thuật, có sức sống lâu bền trong lòng người đọc.
Trong cuộc đời cách mạng đầy gian nan vất vả, Người đã từng phải làm nhiều nghề để sống và hoạt động cách mạng như bồi bàn, đầu bếp, viết sách báo... Nhưng cũng chính qua công việc, qua lao động, Người đã tìm hiểu, học hỏi được rất nhiều điều bổ ích cho công tác cách mạng cũng như để hình thành nên phong cách Hồ Chí Minh.
- Vậy phong cách Hồ Chí Minh có phải là sự tổng cộng giản đơn tinh hoa của các nền văn hoá thế giới không ? Bác đã tiếp thu các nền văn hoá nhân loại như thế nào ? 
- ồ, câu hỏi của bạn thật là thú vị !... Có thể nói, ít có vị lãnh tụ nào lại am hiểu về các dân tộc và nhân dân thế giới, văn hoá thế giới sâu sắc như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến đâu Người cũng học hỏi, tìm hiểu văn hoá, nghệ thuật đến mức khá uyên thâm. Nhưng điều quan trọng là Người không chịu ảnh hưởng thụ động mà tiếp thu một cách có chọn lọc tinh hoa văn hoá nước ngoài. Một mặt, Người chịu ảnh hưởng của tất cả các nền văn hoá, tiếp thu mọi cái đẹp, cái hay; mặt khác, Người cũng phê phán những hạn chế, tiêu cực. Những ảnh hưởng của văn hoá quốc tế đó đã nhào nặn với cái gốc văn hoá dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách rất Việt Nam.
- Thật là kì diệu, một con người kì diệu !... Vậy còn lối sống, Bác sống, sinh hoạt ra sao ?
- Là một lãnh tụ có cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước nhưng Bác có một lối sống vô cùng bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông.
Nơi ở và làm việc của Người hết sức đơn sơ. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam và có lẽ cả thế giới, có một vị Chủ tịch nước lấy chiếc nhà sàn bằng gỗ bên cạnh chiếc ao như cảnh làng quê quen thuộc làm ''cung điện" của mình. Chiếc nhà sàn đó chỉ vẻn vẹn có vài phòng. Đó cũng là nơi tiếp khách, họp Bộ Chính trị, đồng thời là nơi Bác làm việc và nhỉ ngơi. 
Tư trang của Bác hết sức giản dị, ít ỏi : bộ quần áo bà ba nâu, chiếc áo trấn thủ, đôi dép lốp thô sơ đã được một tác giả phương Tây ca ngợi như một vật thần kì, một chiếc vali con đựng vài bộ quần áo ...
Việc ăn uống của Người cũng rất đạm bạc. Những món ăn dân tộc không chút cầu kì như cá kho, rau luộc, dưa ghém, cà muối, cháo hoa... là thức Bác ưa thích.
Người sống trong ngôi nhà đơn sơ ấy, một mình, với một vài tư trang ít ỏi, vài vật kỉ niệm nhỏ nhoi của một cuộc đời dài, đầy truân chuyên và giông bão cách mạng. Có lẽ, hiếm có một vị lãnh tụ, một vị tổng thống hay một vị vua hiền ngày trước lại sống đến mức giản dị như Bác. 
- Liệu lối sống giản dị quá như vậy ... có làm giảm vị thế ...
- à, mình hiểu ý bạn. Lối sống của Bác giản dị nhưng lại vô cùng thanh cao, sang trọng. Đây không phải là lối sống khắc khổ của những con người tự vui trong cảnh nghèo khó, cũng không phải là cách tự thần thánh hoá, tự làm cho khác đời, cho hơn người mà là một quan niệm sống đẹp có cội rễ từ các nhà hiền triết phương Đông xưa : cái đẹp là sự giản dị, tự nhiên. 
Cách sống của Bác gợi ta nhớ đến các sống của các vị hiền triết trong lịch sử dân tộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Họ sống ở quê nhà với những thú quê đạm bạc :
 Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
 Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao...
Lối sống thanh cao đó cũng là một cách di dưỡng tinh thần có khả năng đem lại hạnh phúc, sự bình yên cho tâm hồn và thể xác con người.
Nói như một chính khách Pháp, "Hồ Chí Minh là người mang tính cách á Đông nhất, nhưng cũng là người cởi mở nhất với tư tưởng phương Tây". Cốt lõi của phong cách Hồ Chí Minh là sự kết tinh văn hoá dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại. Từ những năm 1923, khi gặp Người ở Maxcơva, nhà thơ Xô viết Ôxíp Mandenstam đã dự cảm : "...Từ Nguyễn ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải là văn hoá châu Âu, mà có lẽ là nền văn hoá của tương lai". Năm 1990, UNESCO tổ chức lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Bác. Trong bài phát biểu của Tiến sĩ M. Amed, giám đốc UNESCO khu vực châu á - Thái Bình Dương có đoạn : "Hồ Chí Minh đã thành công trong việc liên kết nhiều sắc thái văn hoá vào một nền văn hoá Việt Nam duy nhất. Người đã làm được việc này nhờ sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng những đặc điểm văn hoá khác nhau... Cuộc đời của Người mang những ảnh hưởng và giá trị truyền thống dân tộc, có những đóng góp vào việc tạo nên một nền văn hoá hiện đại"... Tóm lại, chúng ta tự hào vì có Bác...
- ...
- Bạn làm sao thế, bạn không được khoẻ phải không ? Bạn có cần tôi giúp gì không ?
- Không ... mình không sao, mình khoẻ... Mình đang nghĩ, mình đã được gặp một Ông Tiên. Một Ông Tiên ngoài đời thật chứ không phải trong truyện cổ tích. Ông Tiên ấy đang ở gần đây, bên cạnh chúng mình. Mình thật sung sướng và cảm động. Cảm ơn bạn, người đồng hành đầy hiểu biết. Bây giờ chúng mình hãy xếp hàng vào lăng viếng Bác nhé. Mai đây, hễ có dịp, mình sẽ lại xin bố mẹ về thăm quê, vào lăng viếng Bác. Chúng mình sẽ còn gặp lại nhau chứ ?
- Nhất định là như vậy rồi. Nào, chúng mình cùng đi gặp Tiên Ông thôi !
đề số 5
Em hãy tóm tắt những luận điểm, luận cứ chính của văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình.
Bài làm
1. Luận điểm chính : Chiến tranh hạt nhân là một hiểm hoạ khủng khiếp đang đe doạ loài người và sự sống trên trái đất, vì vậy nhiệm vụ cấp bách của toàn thể nhân loại là đoàn kết đấu tranh để loại bỏ nguy cơ ấy.
2. Hệ thống luận cứ :
- Kho vũ khí hạt nhân đang tàng trữ có khả năng huỷ diệt, xoá bỏ mọi dấu vết của sự sống trên trái đất và các hành tinh khác trong hệ mặt trời.
- Cuộc chạy đua vũ trang vô cùng tốn kém đã làm mất đi cơ hội cải thiện đời sống cho hàng tỉ người nghèo khổ nhất trên thế giới. Những con số cụ thể, những ví dụ so sánh trong các lĩnh vực xã hội, y tế, tiếp tế thực phẩm, giáo dục... với những chi phí khổng lồ cho chạy đua vũ trang đã cho thấy tính chất cực kì phi lí của việc chạy đua vũ trang.
- Chiến tranh hạt nhân không chỉ đi ngược lại lí trí của loài người mà mà còn đi ngược lại với quy luật của tự nhiên, phản lại sự tiến hoá. 
- Vì vậy, tất cả chúng ta phải có nhiệm vụ ngăn chặn cuộc chiến tranh hạt nhân, đấu tranh cho một thế giới hoà bình, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
đề số 6
Dựa vào văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình, em hãy viết một văn bản thuyết minh về nguy cơ chiến tranh hạt nhân (có sử dụng yếu tố miêu tả và các biện pháp nghệ thuật).
Bài làm
Chiến tranh và hoà bình luôn là mối quan tâm hàng đầu của toàn nhân loại bởi nó liên quan đến cuộc sống, sinh mệnh của hàng triệu con người và sự còn mất của mỗi quốc gia. Lịch sử loài người gắn liền với nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc khiến nhân loại bao phen rơi vào cảnh máu chảy đầu rơi, nồi da nấu thịt. Nguy cơ chiến tranh luôn đe doạ sự sống trên khắp hành tinh. Đặc biệt, ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của vũ khí hạt nhân đã trở thành mối hiểm hoạ khủng khiếp nhất đe doạ toàn bộ sự sống, loài người trên trái đất.
Trong thế kỉ XX, nhân loại đã phải trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới vô cùng khốc liệt và nhiều cuộc chiến tranh dân tộc, sắc tộc khác, làm thiệt mạng hàng trăm triệu người, làm bánh xe lịch sử quay chậm lại hàng trăm năm. Chiến tranh thế giới thứ hai đã kết thúc cách đây sáu mươi năm, nhưng nguy cơ chiến tranh vẫn luôn tiềm ẩn. Đặc biệt, đó cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời của ngành công nghiệp hạt nhân mà sự tiến bộ ghê gớm của nó đã có tầm quan trọng quyết định đối với vận mệnh thế giới sau này. Năm 1945 ấy, cũng là năm Mĩ đã ném xuống Nhật Bản hai quả bom nguyên tử làm hơn 40 vạn người chết, biến hai thành phố đông dân Hi-rô-xi-ma và Na-ga-da-ki thành đống đổ nát, gây kinh hoàng cho toàn thế giới. 
Kể từ đó, cuộc chạy đua vũ trang, cuộc chiến tranh hạt nhân chính thức bắt đầu, loài người hằng ngày luôn bị đặt trước nguy cơ tuyệt diệt.
Chỉ cần một vài ví dụ và làm một phép tính đơn giản như nhà văn Cô-lôm-bi-a, Gác-xi-a Mac-két, chúng ta đã có thể hình dung loài người đang ở trên bờ vực thẳm như thế nào. Theo Mac-két, tính đến ngày 8/8/1986, hơn 50.000 đầu đạn hạt nhân đã được bố trí khắp hành tinh. Nói một cách nôm na, điều đó có nghĩa là tất cả mọi người trên trái đất, không trừ người già, trẻ con, mỗi người đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ. Chỉ cần bấm một cái nút, tất cả khối thuốc nổ đó nổ tung lên, làm tiêu biến hết thảy không phải một lần mà là mười hai lần mọi dấu vết của sự sống trên trái đất, tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh mặt trời và bốn hành tinh khác nữa, phá huỷ thế thăng bằng của hệ mặt trời. 
Sự sống được nhen nhóm và tồn tại trên trái đất này không hề dễ dàng. Cũng theo G. Mac-két, chưa nói những gì to lớn, chỉ lấy những sự vật, sự việc nhỏ bé làm bằng chứng, chúng ta đã thấy rất rõ. Từ khi có sự sống trên Trái Đất, phải trải qua 380 triệu năm con bướm mới bay được, 180 năm nữa hoa hồng mới nở chỉ để làm đẹp cho đời. Theo nhà văn Nguyễn Tuân, một giọt mật mà con ong làm ra là kết quả của 2.700.000 chuyến bay đi tìm hoa hút mật, một nửa lít mật ong là kết qủa của dặm đường lao động miệt mài 8.000.000 cây số mới có được... Huống hồ những toà nhà chọc trời, những cánh đồng xanh mát, những cây cầu vững chãi là mồ hôi công sức của hàng triệu người ... Vậy mà, chỉ trong tích tắc, tất cả những thành tựu khó khăn và nhọc nhằn đó có thể biến thành tro bụi. 
Đã có nhiều thảm hoạ hạt nhân như các vụ nổ nhà máy hạt nhân ở Nga (Trécnôbưn), ấn Độ... làm hàng nghìn người chết, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đáng tiếc là, sau những thảm hoạ ấy, cuộc chạy đua vũ trang vẫn tiếp tục, các nhà máy sản xuất vũ khí hạt nhân vẫn không ngừng mọc lên trên thế giới; các loại vũ khí hạt nhân như tàu ngầm, tên lửa, máy bay tối tân hiện đại vẫn không ngừng được bổ sung ... Nhân loại vẫn từng ngày từng giờ phải đối mặt với nguy cơ bị huỷ diệt bởi vũ khí hạt nhân.
Thế giới cũng đã có những cố gắng để giảm bớt mối đe doạ này, chẳng hạn các hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược được kí kết giữa Liên Xô (nay là Liên bang Nga) với Mĩ. Nhưng chiến tranh và hiểm hoạ hạt nhân vẫn luôn là mối đe doạ to lớn và thường xuyên đối với các dân tộc, các quốc gia và toàn thể loài người. Xung đột và chiến tranh vẫn diễn ra hàng ngày ở nhiều nơi, nhiều khu vực trên thế giới, gần đây nhất là cuộc chiến của Mĩ, Anh ở Irắc, cuộc xung đột đẫm máu kéo dài giữa Ixraen và Palextin, chủ nghĩa khủng bố hoành hành khắp nhiều nơi. Các nhà máy hạt nhân ở ấn Độ, Pakistan, Iran, Triều Tiên, Trung quốc... luôn là nguyên nhân của những cuộc tranh cãi, đàm phán gay gắt, không kết quả. Vì vậy, nhận thức đúng về nguy cơ chiến tranh và tham gia vào cuộc đấu tranh cho hoà bình là yêu cầu đặt ra cho mỗi công dân trên hành tinh.
Chúng ta đang sống trong thời đại hoàng kim của khoa học kĩ thuật và công nghệ. Song, chúng ta cũng đang phải từng giây từng phút đối mặt với chiến tranh hạt nhân có nguy cơ bùng nổ bất cứ lúc nào. Bởi vậy, con người không thể thờ ơ trước vận mệnh của chính mình và vận mạng của toàn thể nhân loại. Điều chúng ta có thể làm được là, mỗi người cần phải ý thức sâu sắc được nguy cơ tiềm ẩn đó, cùng nhau đoàn kết đấu tranh ngăn chặn nó, vì một thế giới hoà bình và hạnh phúc.
đề số 7
Chạy đua vũ trang là đi ngược lại lí trí của con người và quy luật của tự nhiên.
I. Tìm hiểu đề
- Đề bài này chỉ có một mệnh đề, không có câu mệnh lệnh, không nêu rõ kiểu đề, yêu cầu thực hiện. Các em tự phải xác định vấn đề cần bàn và kiểu văn bản thích hợp để làm sáng tỏ vấn đề đó. 
- Kiểu đề : Nghị luận kết hợp với thuyết minh.
- Phạm vi kiến thức cần sử dụng : Văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình và những thông tin xác thực về tác hại của chiến tranh mà em được biết.
 II. Dàn ý
A. Mở bài
- Chiến tranh đồng nghĩa với đau thương, chết chóc, đổ máu và huỷ diệt.
- Chạy đua vũ trang là đua nhau tăng cường vũ khí để chuẩn bị chiến tranh.
- Chạy đua vũ trang là đi ngược lại lí trí của con người và tự nhiên.
B. Thân bài
1. Chạy đua vũ trang là đi ngược lại lí trí của con người
a) Chi phí cho việc sản xuất vũ khí hạt nhân vô cùng tốn kém, tốn kém đến mức cực kì phi lí.
b) Chi phí tốn kém đó đã làm mất đi khả năng để con người được sống tốt đẹp hơn.
- Theo Tuyên bố của Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em năm 1990, hằng ngày có vô số trẻ em khắp nơi trên thế giới phải chịu bao nỗi bất hạnh vì là nạn nhân của chiến tranh và bạo lực; hàng triệu trẻ em phải chịu đựng những thảm hoạ của đói nghèo, dịch bệnh, mù chữ, môi trường xuống cấp. Mỗi ngày có tới 40.000 trẻ em chết do suy dinh dưỡng và bệnh tật. 
- Năm 1981, UNICEF đã định ra một chương trình để cứu trợ cấp bách về y tế, tiếp tế thực phẩm và nước uống, xoá nạn mù chữ, cải thiện điều kiện vệ sinh cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất thế giới. Để thực hiện được chương trình này phải cần tới 100 tỉ đô la, nhưng tất cả đã tỏ ra là một giấc mơ không thể thực hiện được bởi số tiền quá lớn. Trong khi đó, số tiền này chỉ gần bằng chi phí cho 100 máy bay ném bom chiến lược B.1B của Mĩ và 7.000 tên lửa vượt đại châu.
- Giá của 10 chiếc tàu sân bay mang vũ khí hạt nhân đủ để thực hiện một chương trình phòng bệnh trong 14 năm cho hơn một tỉ người, cứu hơn 14 triệu trẻ em châu Phi thoát khỏi cái chết. 
- Chỉ hai chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân là đủ tiền xoá nạn mù chữ cho toàn thế giới, vv...
Điều mong muốn lớn nhất của tất thảy con người trên trái đất này là sự sống sinh sôi, cuộc đời của con người ngày càng tốt đẹp hơn lên. Nhưng, cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân đã đi ngược lại mong muốn, khát vọng của con người. Chưa nói đến việc chiến tranh hạt nhân bùng nổ, chỉ sự tồn tại của vũ khí hạt nhân không thôi cũng đã gieo vào lòng chúng ta nỗi ám ảnh khủng khiếp về "cái cảnh tận thế" do những bệ phóng hạt nhân mang lại, khiến chúng ta luôn sống trong nỗi lo lắng, bất an. Chi phí quá tốn kém cho việc sản xuất vũ khí hạt nhân đã làm mất đi của thế giới nhiều điều kiện để cải thiện cuộc sống, cướp đi nhiều cơ hội để cứu giúp hàng tỉ người, đặc biệt là trẻ em, thoát khỏi nghèo đói, bệnh tật và chết chóc.
2. Chạy đua vũ trang là đi ngược lại lí trí của tự nhiên
a) Lí trí của tự nhiên có thể hiểu là quy luật của tự nhiên, logíc tất yếu của tự nhiên.
b) Chiến tranh hạt nhân không chỉ đi ngược lại lí trí của con người, tiêu diệt loài người mà còn phản lại sự tiến hoá của tự nhiên, huỷ diệt mọi sự sống trên trái đất. 
- Sự sống ngày nay trên trái đất là kết quả của một quá trình tiến hoá lâu dài hàng trăm triệu năm của tự nhiên với biết bao cuộc hoài thai nhọc nhằn, đau đớn. Theo G. Mac-két, chưa nói những gì to lớn, chỉ lấy những sự vật, sự việc nhỏ bé, từ khi có sự sống trên Trái Đất, phải trải qua 380 triệu năm con bướm mới bay được, 180 năm nữa hoa hồng mới nở chỉ để làm đẹp cho đời. Theo Nguyễn Tuân, một giọt mật mà con ong làm ra là kết quả của 2.700.000 chuyến bay đi tìm hoa hút mật, một nửa lít mật ong là kết qủa của dặm đường lao động miệt mài 8.000.000 cây số mới có được... 
- Nhưng nếu chiến tranh hạt nhân nổ ra, chỉ cần một tích tắc, tất cả những thành tựu khó khăn và nhọc nhằn đó sẽ bị xoá sạch dấu vết; mọi thành quả của quá trình tiến hoá tự nhiên sẽ trở lại điểm xuất phát ban đầu hoặc biến thành tro bụi vì những phát minh vĩ đại của chính con người. Như vậy, chiến tranh hạt nhân chính là sự phản lại quy luật và sự tiến hoá của thế giới tự nhiên. Năm 1945, Mĩ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hi-rô-xi-ma và Na-ga-da-ki thuộc Nhật Bản, biến hai thành phố đông dân này trở về thời kì hồng hoang là một ví dụ tiêu biểu. 
C. Kết bài
- Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân là một tai hoạ khủng khiếp đối với sự sống, loài người.
- Đấu tranh ngăn chặn chiến tranh hạt nhân, vì một thế giới hoà bình, vì cuộc sống ấm no hạnh phúc của con người là nhiệm vụ của tất cả chúng ta.
đề số 8
Văn bản "Đấu tranh cho một thế giới hoà bình" của G.Mac-ket là một bài văn nghị luận sinh động.
I. Tìm hiểu đề
- Đề bài này cũng chỉ có một mệnh đề, không có câu mệnh lệnh, không nêu rõ kiểu đề, yêu cầu thực hiện. Các em tự phải xác định vấn đề cần bàn và kiểu văn bản thích hợp để làm sáng tỏ vấn đề. 
- Kiểu đề : Nghị luận. 
- Yêu cầu : Bằng lí lẽ và dẫn chứng, em phải phân tích, chứng minh, đánh giá làm sáng tỏ vấn đề : Văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình có phải là một bài văn nghị luận sinh động hay không.
 II. Dàn ý
A. Mở bài 
- G. Mác-két nổi tiếng là tác giả của nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn được viết theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo. Ông là nhà văn châu Mĩ Latinh đã đoạt giải Nô-ben văn học năm 1982. Qua tác phẩm của mình, Mác-két đã từng đấu tranh không mệt mỏi vì hoà bình và hạnh phúc của con người và sự sống trên trái đất.
- Đấu tranh cho một thế giới hoà bình là một bài văn nghị luận sinh động. Bằng lập luận chặt chẽ, chứng cứ phong phú, xác thực ; bằng trái tim nhiệt huyết của một nhà văn vì hoà bình, hạnh phúc của con người, Mác-két đã phân tích làm rõ nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang đe doạ sự sống con người, kêu gọi mọi người hãy đoàn kết, đấu tranh ngăn chặn, xoá bỏ nguy cơ đó.
B. Thân bài
1. Đấu tranh cho một thế giới hoà bình là một văn bản nghị luận bởi tác giả đã đặt ra một vấn đề và bàn bạc, nêu quan điểm của mình về vấn đề đó. Luận điểm chính mà tác giả nêu ra trong bài viết này là : "Chiến tranh hạt nhân là một hiểm hoạ khủng khiếp đang đe doạ loài người và sự sống trên trái đất, vì vậy nhiệm vụ cấp bách của toàn thể nhân loại là đoàn kết đấu tranh để loại bỏ nguy cơ ấy".
2. Để làm sáng tỏ vấn đề và thuyết phục người đọc, tác giả đã triển khai luận điểm đó trong một hệ thống luận cứ sắc bén, toàn diện, mạch lạc và chặt chẽ :
a) Kho vũ khí hạt nhân đang tàng trữ có khả năng huỷ diệt, xoá bỏ mọi dấu vết của sự sống trên trái đất và các hành tinh khác trong hệ mặt trời.
b) Cuộc chạy đua vũ trang vô cùng tốn kém đã làm mất đi cơ hội cải thiện đời sống cho hàng tỉ người nghèo khổ nhất trên thế giới. Những con số cụ thể, những ví dụ so sánh trong các lĩnh vực xã hội, y tế, tiếp tế thực phẩm, giáo dục... với những chi phí khổng lồ cho chạy đua vũ trang đã cho thấy tính chất cực kì phi lí của việc chạy đua vũ trang.
c) Chiến tranh hạt nhân không chỉ đi ngược lại lí trí của loài người mà mà còn trái với quy luật tự nhiên, phản lại sự tiến hoá. 
d) Vì vậy, tất cả chúng ta phải có nhiệm vụ ngăn chặn cuộc chiến tranh hạt nhân, đấu tranh cho một thế giới hoà bình, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
3. Đấu tranh cho một thế giới hoà b

File đính kèm:

  • doc100_de_va_bai_ngu_van_lop_9.doc