50 Đoạn văn nghị luận xã hội theo chủ đề

50 ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI THEO CHỦ ĐỀ

1. Hòa bình

Hòa bình không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh. Hòa bình là sống hòa hợp và không gây gổ với người khác. Nếu mọi người trên thế giới đều cảm thấy bình an trong lòng, thế giới này sẽ trở nên một thế giới hòa bình. Hòa bình bao hàm những suy nghĩ tích cực, cảm xúc trong sáng và những ước muốn tốt lành. Chúng ta đã thực sự sống trong thế giới hòa bình, bạn đã để tâm trí của mình thực sự điềm tĩnh và thư thái. Đâu đó vẫn tồn tại những xung đột không đáng có giữa những học sinh trong một lớp học, những trẻ em bị xâm hại, bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Trên thế giới vẫn còn chiến tranh, khủng bố bởi mâu thuẫn về quyền lợi. Trong bản thân con người vẫn thiếu sự bình yên bởi mâu thuẫn giữa khát vọng đam mê với năng lực thực tiễn. Thực chất hòa bình bắt đầu từ chính chúng ta. Để sống trong bình an, ta cần có tình thương yêu và sức mạnh nội tâm. Gia đình cần quan tâm đến con trẻ của mình, các công dân trong một nước cần đảm bảo những quyền lợi công bằng, các nước cần tăng cường sự hữu nghị, hợp tác trên cơ sở những mặt có lợi. Bản thân mỗi người cần tìm cho mình sự cân bằng trong cảm xúc, trong mục đích sống. Trong mọi tình huống hãy hóa giải những bất hòa để chắp cho hòa bình một đôi cánh.

Mai Phương Anh

Lớp 11A2, THPT Đinh Tiên Hoàng, Vũng Tàu

 

docx 19 trang phuongnguyen 01/08/2022 6682
Bạn đang xem tài liệu "50 Đoạn văn nghị luận xã hội theo chủ đề", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: 50 Đoạn văn nghị luận xã hội theo chủ đề

50 Đoạn văn nghị luận xã hội theo chủ đề
Nguyễn Thành Huân
50 ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI THEO CHỦ ĐỀ
1. Hòa bình
Hòa bình không chỉ là sự vắng bóng của chiến tranh. Hòa bình là sống hòa hợp và không gây gổ với người khác. Nếu mọi người trên thế giới đều cảm thấy bình an trong lòng, thế giới này sẽ trở nên một thế giới hòa bình. Hòa bình bao hàm những suy nghĩ tích cực, cảm xúc trong sáng và những ước muốn tốt lành. Chúng ta đã thực sự sống trong thế giới hòa bình, bạn đã để tâm trí của mình thực sự điềm tĩnh và thư thái. Đâu đó vẫn tồn tại những xung đột không đáng có giữa những học sinh trong một lớp học, những trẻ em bị xâm hại, bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Trên thế giới vẫn còn chiến tranh, khủng bố bởi mâu thuẫn về quyền lợi. Trong bản thân con người vẫn thiếu sự bình yên bởi mâu thuẫn giữa khát vọng đam mê với năng lực thực tiễn. Thực chất hòa bình bắt đầu từ chính chúng ta. Để sống trong bình an, ta cần có tình thương yêu và sức mạnh nội tâm. Gia đình cần quan tâm đến con trẻ của mình, các công dân trong một nước cần đảm bảo những quyền lợi công bằng, các nước cần tăng cường sự hữu nghị, hợp tác trên cơ sở những mặt có lợi. Bản thân mỗi người cần tìm cho mình sự cân bằng trong cảm xúc, trong mục đích sống. Trong mọi tình huống hãy hóa giải những bất hòa để chắp cho hòa bình một đôi cánh.
Mai Phương Anh
Lớp 11A2, THPT Đinh Tiên Hoàng, Vũng Tàu
2. Văn hóa hội nhập
Văn hóa được hình thành trong lịch sử lâu dài của một dân tộc, được đúc kết từ kinh nghiệm sống và lưu truyền qua nhiều thế hệ, gắn bó máu thịt với con người tạo nên đặc thù của từng dân tộc. Dân tộc ta có những biểu hiện riêng tạo nên tinh thần ấy trong giao tiếp, ứng xử, đặc biệt là những nét văn hóa truyền thống nhân văn, nhân ái đã được đúc kết qua những thành ngữ, lời ca... như: “Lá lành đùm lá rách”, “Chị ngã em nâng”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Tôn sư trọng đạo”... tinh thần nòi giống còn được thể hiện qua những di sản văn hóa mà nhiều thế hệ đi trước để lại. Những giá trị truyền thống của dân tộc ta với nhiều loại hình văn hóa gần đây có nguy cơ đang dần bị mai một. Như vậy trước mọi thách thức và nguy cơ, song đến cuối cùng thì mọi giá trị đi qua, cái còn lại của mỗi dân tộc chính là bản sắc văn hóa. Bên trong cái mới, cái hiện đại vẫn có cái cũ cái truyền thống, dòng chảy tinh thần dân tộc vẫn âm thầm và xuyên suốt trong thế hệ đi trước và ngay cả thế hệ trẻ ngày nay. Giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc có lẽ đơn giản chỉ là mang theo trên hành trang mở ra cánh cửa thế giới vẻ đẹp tâm hồn, tinh thần của người Việt Nam. Tiếp cận cái mới phải đi đôi với quá trình bảo tồn và duy trì cái cũ, để hòa nhập mà không hòa tan.
Theo https://hocvan.vn/edu/exercise
3. Vô cảm
Vô cảm là một căn bệnh hiện không có trong danh sách của ngành y học, nhưng nó đã ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống con người. Vô là không, cảm là tình cảm, cảm xúc. Vô cảm là trạng thái con người không có tình cảm. Sống khép mình lại, thờ ơ lạnh nhạt với tất cả mọi việc xung quanh. Nhân vật Hộ trong truyện ngắn Đời thừa có lúc nghĩ đến: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống mạnh mẽ” nhưng cuối cùng anh chọn tình thương bởi lẽ tình thương phân biệt giữa người và ác thú. Hay Giăng Van-giăng trong Những người khốn khổ của văn hào Pháp V. Huy-gô, cả đời chỉ tâm niệm một điều: “Trên đời này chỉ có một điều duy nhất ấy thôi, đó là thương yêu nhau”. Thế nhưng, mỗi phút, mỗi giờ vẫn có biết bao nhiêu con người chấp nhận sống mà không có tình yêu thương, thờ ơ với chính những người xung quanh mình. Đi đường gặp những người bị nạn, những kẻ vô cảm chẳng có phản ứng nào mà chỉ biết dửng dưng chứng kiến với thái độ “Thờ ơ con mắt lạnh. Nhìn chúng có hề chi!” (Tố Hữu). Vô cảm là căn bệnh của những người sẵn sàng quay lưng lại với những nỗi đau khổ, bất hạnh của đồng loại, sẵn sàng làm ngơ trước cái xấu, cái ác. Sống đôi khi đơn giản là học cách yêu thương. Hãy thử một lần trải lòng mình ra dù chỉ là chút ít ỏi. Bởi vì, khổ đau được san sẻ sẽ vơi đi một nửa, còn hạnh phúc được san sẻ sẽ nhân đôi. Hãy nuôi dưỡng lòng nhân ái, tình thương của mình cùng mọi người để đẩy lùi bệnh vô cảm. Và cũng bởi vì “Ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến nên hãy cho và nhận những gì bạn có trong ngày hôm nay”.
Trần Thanh Bình
Lớp 12B, THPT Lê Hồng Phong, Vũng Tàu
4. Lạc quan
Trong cuộc sống này, không ai luôn luôn gặp may mắn, cũng không ai hoàn toàn xui xẻo, quan trong là thái độ tiếp cận và suy nghĩ của bạn về vấn đó như thế nào và bạn tiếp nhận nó ra sao? Sức mạnh của sự lạc quan là bạn phải tạo cho mình suy nghĩ tích cực để vượt qua mọi khó khăn, biến nỗi buồn thành niềm vui. Lạc quan sẽ giúp bạn nỗ lực hết mình cho công việc, lúc ấy mọi người sẽ nhận ra và công nhận khả năng của bạn. Vượt qua rào cản tâm lí bạn sẽ là người chiến thắng. Không may là, không nhiều người trong chúng ta có thể nhìn thấy được mặt tích cực của vấn đề: Cốc nước đầy một nửa, mà hét lên đầy bi quan cốc nước đã vơi đi một nửa rồi! Quan điểm tồi tệ về mọi thứ không giúp bạn thay đổi cuộc đời mình mà nó còn kìm hãm sự phát triển của bạn, tệ hơn là nó nhấn chìm bạn trong biển bi quan và bất lực: Hai người cùng nhìn ra cửa sổ Một người thấy vũng bùn, người thấy bầu trời đầy sao. Người xưa thường nói: “Khi đau chân chúng ta chỉ chú ý đến cái chân đau đó mà quên đi cái chân lành lặn còn lại”. Cũng giống như chúng ta chỉ nhìn thấy những điểm xấu, điểm chưa được từ những người xung quanh mà quên mất nhìn vào mặt tích cực, tốt đẹp của họ. Cho dù khó khăn đến mức nào, hãy luôn hướng về những điều tốt đẹp, như cách bạn nhìn cốc nước đầy một nửa: bạn sẽ làm cuộc sống của mình tươi đẹp hơn!
Nguyễn Thị Thảo Hương
THPT Trần Hưng Đạo, Ninh Bình
5. Gia đình
Trên đời này, chẳng ai có thể sống mà thiếu đi tình cảm gia đình. Gia đình không đơn giản là sự gắn kết giữa những người có cùng máu mủ, huyết thống và sống chung với nhau dưới một mái nhà. Gia đình còn là sợi dây kết nối những con người bằng sự gắn bó, yêu thương. Gia đình là sự hi sinh sẵn sàng cho đi của cha của mẹ. Gia đình là sự đùm bọc chở che mỗi khi vấp ngã là lời động viên khích lệ trước mọi cố gắng đường đời. Có thể nói gia đình chính là điểm tựa tinh thần vô cùng vững chãi, là nơi mà bất cứ khi nào chúng ta cũng có thể tìm thấy niềm tin, hi vọng và động lực vượt qua những khó khăn thử thách. Thiếu đi tình cảm ấy, trái tim ta sẽ dần bị bóp nghẹt bởi cảm giác cô đơn, lạc lõng và cứ mãi bơ vơ trên nẻo đường tìm kiếm hạnh phúc. Vậy nhưng, đâu phải ai cũng biết trân trọng tình cảm gia đình, cứ mải miết chạy theo tiền tài, danh vọng hay những mối quan hệ phù phiếm. Để rồi khi nhận ra xung quanh mình chẳng còn một chỗ dựa đã không còn cơ hội nào cho họ sửa chữa. Tránh đi những vết xe đổ ấy, ngay từ hôm nay, chúng ta cần dành tâm sức để giữ gìn tình cảm gia đình từ những hành động thường ngày. Một lời chào mỗi buổi sáng, một bữa cơm ấm áp đầy đủ thành viên, một bông hoa nhân ngày đặc biệt... những việc nhỏ ấy nhưng chắc chắn sẽ giúp tình cảm gia đình luôn luôn ấm áp.
Lê Kiều Trang
Lớp 11C, THPT Hiệp Hoà, Bắc Giang
6. Lòng yêu nước
Ôi! Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông.
(Sao chiến thắng, Chế Lan Viên)
Tình yêu đất nước, sẵn sàng hi sinh tuổi xuân từ lâu đã trở thành lí tưởng cho biết bao thế hệ người Việt. Cũng như trong bài Cuộc chia li màu đỏ ta lại bắt gặp một tình yêu “Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau”. Hai chữ Tổ quốc thiêng liêng, trang trọng được đánh đổi bằng biết bao sự hi sinh mất mát. Sự xa cách của tình yêu đôi lứa để nhường chỗ cho tình yêu lớn hơn. Bởi vì trong máu thịt của họ có một phần quê hương. Họ sẵn sàng bỏ lại tất cả, “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày. Gian nhà không mặc kệ gió lung lay” (Đồng chí, Chính Hữu). Sự chia li với họ chỉ là tạm thời, sự chia li đơn giản chỉ là xa cách về địa lí, không gian còn tình cảm thì luôn gắn bó, luôn gần bên, tình yêu vượt qua những thử thách của thời đại. Sự chia li tràn lệ trên khóe mắt “Những người vợ trẻ/ Mòn chân bên cối gạo canh khuya” (Nhớ, Hồng Nguyên) nhưng trong tâm hồn luôn chất chứa niềm tin, sự lạc quan về ngày trở về, ngày thống nhất. Bởi thế cuộc chia li không nhuốm màu ảm đạm của mất mát mà được nâng cánh bởi ước nguyện hòa bình. Và trong thời bình ngày hôm nay, chiến tranh đã tạm xa nhưng vẫn có những người chiến sĩ canh gác bầu trời, vùng biển Tổ quốc, vẫn còn những hình ảnh “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/ Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng” (Thơ tình người lính biển, Trần Đăng Khoa). Sự hi sinh đó là vô cùng lớn lao nhưng cũng là tất yếu là lí tưởng của thế hệ trẻ. Cho dù có như thế nào thì tuổi trẻ vẫn là linh hồn của Tổ quốc, không bao giờ nguôi ý chí sắt đá bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc thân thương.
Theo https://thuvienvanmau.net
Có bổ sung và sửa chữa
7. Bình yên
Bình yên không chỉ là trạng thái của cảnh vật mà quan trọng là sự cân bằng trong tâm hồn. Biểu hiện của sự bình yên chính là trạng thái vô ưu vô lo, thoải mái trong tâm tưởng. Không nhất thiết cứ phải “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao” (Nhàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm), sống ẩn dật như Nguyễn Trãi hay Nguyễn Bỉnh Khiêm... bình yên đơn giản chỉ là bữa cơm sum vầy cùng gia đình nhỏ, không chen lấn trên con đường đến nơi làm việc hay được thư thái lắng nghe một bản nhạc yêu thích. Giữa cuộc sống bộn bề lo toan, những khoảng lặng như vậy đóng một vai trò quan trọng. Nó đem đến cho tâm ta sự tĩnh lặng, thoải mái, giảm thiểu đi những suy nghĩ tiêu cực đang đè nén não bộ, theo đó mà học tập hay làm việc cũng sẽ hiệu quả hơn... Nói cách khác là bạn tìm thấy được sự cân bằng giữa công việc và chăm lo cho bản thân, gia đình. Đúng như lời Phật đã dạy: “Hãy là hòn đảo cho chính mình và đừng xem ai khác là nơi nương cậy”. Do đó, muốn có được sự bình yên, tất cả là ở tự tâm ta. Cuộc sống cần những phút giây sống chậm lại để tâm hồn được trút bỏ những bề bộn, bon chen nhưng cũng không phải cứ sống cách biệt ở một thế giới tĩnh tại. Mỗi người cần biết ngưng nghỉ đúng lúc, linh hoạt từng thời điểm, chắc chắn bạn sẽ có được sự bình yên đích thực.
Trần Khánh An
Lớp 12A1, THPT Nhơn Trạch I, Đồng Nai
8. Đam mê
Cuộc đời sẽ trở nên mất đi ý nghĩa nếu chúng ta không tìm được đam mê đích thực của mình. Vậy đam mê là gì và tại sao nó lại quan trọng đến thế? Theo tôi, đó đơn giản là một việc nào đó có thể khiến bạn cảm thấy hứng thú, vui vẻ và sẵn sàng bỏ ra thời gian, công sức để thực hiện nó. Chẳng hạn, khi ai đó nhận ra mình hạnh phúc nhất khi nấu ăn và quyết định trở thành đầu bếp, hạnh phúc khi chơi một môn thể thao có thể rèn luyện hàng ngày để trở thành vận động viên chuyên nghiệp... mỗi người có một năng khiếu một thế mạnh nếu biết khai thác và theo đuổi thì sẽ có được thành công. Chắc hẳn ai cũng đã hơn một lần nghe về Bill Gates – nhà đồng sáng lập hãng công nghệ Microsoft. Nhưng nếu không dũng cảm từ bỏ giảng đường đại học và theo đuổi đam mê công nghệ của mình, liệu có bao nhiêu người sẽ biết về một luật sư Bill Gates? Vậy nên tất cả chúng ta cần nghiêm túc tìm kiếm và nỗ lực hết mình theo đuổi niềm đam mê thực sự. Nhưng đam mê cũng phải đi liền với năng lực bản thân và điều kiện gia đình xã hội mới có thể đưa bạn tới đích nhanh nhất. Bởi đúng như Nick Vujick từng chia sẻ: “Những ước mơ không chết chừng nào bạn còn nuôi dưỡng nó bằng niềm đam mê”.
Lương Ngọc Lan
Dẫn từ trang 
9. Trưởng thành
Trưởng thành là biết làm chủ bản thân vì đã đủ chín chắn hiểu rằng: trưởng thành không chỉ là chuyện quần áo bề ngoài chững chạc, không bị lôi kéo theo những giá trị nhất thời, không nhất thiết phải chạy theo số đông chứng tỏ mình đã thành người lớn và được phép làm những việc của người lớn. Trưởng thành còn là có thể bắt đầu cho một tương lai, một sự nghiệp, hiện thực hóa một ước mơ. Tuổi trẻ thật đặc biệt biết mấy, nó không những có cả sự nhiệt huyết mà còn là sự xông xáo không ngại vất vả mà buông xuôi đầu hàng của những trái tim căng tràn nhịp đập. Một vài người trong chúng ta không bao giờ lớn lên. Cơ thể già đi, nhưng linh hồn vẫn còn mãi thiếu chín chắn. Nhưng với một vài người trong chúng ta, mối nguy lại là chuyện ngược lại, chúng ta già trước tuổi, trở nên già nua trong cơ thể trẻ trung. Relife là lời cảnh tỉnh cho thanh niên ngày nay: Ngừng mơ tưởng, hãy trưởng thành. Xã hội cần một con người trẻ trưởng thành hăng say với công việc, vui vẻ, tràn đầy sức sống và sự hăng say, nhiệt huyết của tuổi trẻ. Trải qua tuổi trẻ thật chẳng dễ dàng. Có lúc đau lòng vỡ mộng, có lúc muốn vứt bỏ tất cả mà chạy về ôm người thân khóc một trận thật to. Nhưng chúng tôi đều tin rằng: mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi! Dẫu nó chưa yên ổn thật, thì ít nhất trong tâm trí, suy nghĩ đó cũng giúp chúng ta mạnh mẽ bước tiếp trên con đường chông gai với một tâm thế tự tin để dần đến với cái đích trưởng thành.
Đỗ Thị Hà
Dẫn theo https://thuvienvanmau.net
10. Tôn sư trọng đạo
Có một nghề cả xã hội gọi tên “Nghề cao quý trên những nghề cao quý”. Đem đạo học lên bậc thang địa vị. Dạy thành người chứ không chỉ thành danh... Có ai trong chúng ta khôn lớn trưởng thành mà không từng qua bàn tay dạy dỗ của các thầy cô giáo. Có ai trong chúng ta chạm tay đến đỉnh cao chói lọi của tri thức mà không từng được thầy cô nâng đỡ, chở che. Hình ảnh của những người thầy, người cô từ xưa đã đi vào tâm thức không chỉ của học trò mà còn của cả xã hội bằng những ánh hào quang sáng chói của những hi sinh thầm lặng mà cao cả. Và người thầy có cái tâm, cái tình của những bậc làm cha, làm mẹ luôn dùng cả trái tim ấm nóng, cả tâm hồn bao dung, cả cuộc đời và sự nghiệp để vun xới, bồi đắp cho những ước mơ lấp lánh đang được ươm mầm trong tâm trí của học sinh. Bức họa người thầy từ xưa vẫn luôn được vẽ lên bằng những nét vẽ tỉ mỉ, óng ánh sắc hồng của một sự tôn kính lớn lao. Nhưng trong xã hội hiện nay, khi mà nỗi lo cơm áo gạo tiền đang trở nên nặng nề lấn áp tất cả, khi mà xã hội đang dần trở nên chật hẹp bởi những toan tính mưu sinh thì liệu dòng sông trong mát, ngọt lành mà bao thế hệ những người thầy, người cô đã dày công chắt lọc kia có bị vẩn đục bởi những hạt cát tuy nhỏ bé nhưng lại có thể làm tối đen cả một khoảng sông rộng lớn không? Dù sóng gió cuộc đời có ngả nghiêng nhiều hướng, chỉ cần ta mãi vững tin, chỉ cần các thầy cô mạnh mẽ chống chọi thì bức họa người thầy kia sẽ mãi trường tồn cùng với ánh sáng của sự cao quý trong tâm thức của mỗi học sinh và của toàn xã hội.
Phạm Đình Phú
Lớp 11B, THPT Lương Đắc Bằng, Thanh Hoá
Dẫn từ trang 
11. Mục đích của việc học
G. Gớt đã từng nói rằng: “Chúng ta phải tiếp thu và học tập ở những người đi trước chúng ta và cả những người đồng thời với chúng ta. Ngay cả thiên tài cực kì vĩ đại cũng không thể tiến xa được nếu chỉ muốn lấy mọi thứ từ thế giới nội tâm của riêng mình”. Một con người muốn dùng kiến thức, kinh nghiệm mà mình tích lũy được để trở thành “thiên tài” thì phải đề ra mục đích cao hơn, không chỉ dừng lại ở một chỗ nào đó. Chính bởi vậy mà Thích Nhân Hạnh đã từng nói: “Thi đỗ thì không khó. Nhưng mà học không phải để thi đỗ. Học là để biết, để khám phá”. Nhiều người có quan điểm nếu không đỗ đại học thì không thể có công việc ổn định, tương lai mờ mịt và xa xăm. Bởi thế cho nên họ chỉ đề ra mục tiêu học để thi đỗ chứ không thiết gì tới việc “học để biết, để khám phá”. Tổng giám đốc công ti Oracle là nhà tỉ phú mà không cần đến tấm bằng đại học. Tuy bỏ học giữa chừng trường Đại học Bang Illinoise nhưng tổng giá trị tài sản của ông lên tới 21,6 tỉ USD. Đó là bao tấm gương mà ta cần học hỏi noi theo. Là học sinh năm cuối cấp, tôi quyết tâm học hỏi, trau dồi những kiến thức trên giảng đường tích lũy làm hành trang sau này. Là một người con sắp sải cánh vươn ra ngoài xã hội, tôi cần phải: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để làm người và để tự khẳng định mình” như tổ chức UNESCO từng đề xướng. Đó mới là mục đích học tập suốt đời mà mỗi người đều phải đề cao, sự học là không ngừng và thế giới là kho tàng kiến thức không bao giờ vơi cạn.
Dẫn theo 
Có bổ sung và sửa chữa
12. Văn hóa thần tượng
Trong cuộc sống của mỗi người, ai cũng có cho mình một thần tượng để ước mơ và vươn tới. Khi còn nhỏ đó có thể là bóng dáng người cha, người mẹ, lớn lên khi đi học mọi điều của thầy cô đều đúng và có biết bao mơ ước trở thành người giáo viên đứng trên bục giảng. Khi trưởng thành rồi thái độ ngưỡng mộ đó sẽ có sự giảm sút bởi nhân cách của bạn đã được định hình nhưng thái độ yêu mến vẫn còn. Trên hành trình đi tìm thần tượng đó, bạn có thể không đạt được hình mẫu như mơ ước nhưng cũng sẽ học hỏi được vô vàn những điểm tốt từ tính cách, lí tưởng và tài năng của họ. Ngưỡng mộ thần tượng thực chất là sự tôn sùng cái tài, cái đẹp và người sáng tạo ra cái đẹp đó. Sự ngưỡng mộ thần tượng đã trở thành thói quen tập quán qua nhiều thế hệ, và hơn nữa, ngưỡng mộ thần tượng chính là một nét đẹp văn hóa của loài người. Có một thần tượng để chúng ta ngưỡng mộ và phấn đấu giúp chúng ta sống tốt hơn, đam mê hơn, yêu đời hơn và nỗ lực hơn. Nhưng mê muội thần tượng sẽ dẫn đến trạng thái mù quáng trong nhận thức, thái quá trong tình cảm, không còn khả năng suy xét, phân biệt đúng sai, lẫn lộn về giá trị; mê muội thần tượng còn dẫn đến hành động sai lầm quá khích, gây ra những hậu quả tệ hại cho bản thân và xã hội. Mỗi người có một thần tượng để ước mơ và vươn tới. Cần biết tôn trọng thần tượng bằng cách có những hành động, suy nghĩ chín chắn và cao đẹp. Đó mới thực sự là ngưỡng mộ.
Cao Diệu Mỹ
Dẫn theo https://onvanhieuqua.com
13. Mạng xã hội
Internet là hệ thống mạng máy tính được liên kết với nhau trên phạm vi toàn thế giới. Được phát minh từ những năm 70 của thế kỉ XX với số người sử dụng rất hạn chế, đến nay, Internet đã trở thành mạng máy tính khổng lồ với hàng tỉ lượt truy cập mỗi năm. Internet tham gia vào tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, y tế... Nhờ có Intenet mới có cuộc cách mạng trong ngành công nghệ thông tin. Nhờ có mạng xã hội toàn cầu, sự giao lưu liên lạc giữa người với người trở nên nhanh chóng. Mạng xã hội rút ngắn khoảng cách của con người về mặt địa lí nhưng lại kéo dài khoảng cách của con người về mặt tình cảm. Người ta đã nói rằng: “Con người có thể đặt chân lên đến mặt trăng nhưng lại không thể bước chân sang nhà hàng xóm để thăm hỏi sức khỏe”. Mạng xã hội giúp kết nối mọi người với bạn bè, chia sẻ với họ, cập nhật mọi thứ trong cuộc sống. Những mối quan hệ này mở rộng hơn mối quan hệ chúng ta có trong đời thực, ngày càng nhiều mối liên hệ được tạo ra và chỉ tồn tại trên mạng xã hội. Dành nhiều thời gian trên mạng xã hội sẽ không còn khiến con người muốn giao tiếp trực tiếp ngoài đời. Internet như một con dao hai lưỡi nhưng điều quan trọng là chúng ta phải biết tiếp thu những mặt tích cực, thành tựu của khoa học kĩ thuật hiện đại để nâng cao tri thức, tu dưỡng bản thân. Đừng để những thành quả được coi là ý nghĩa nhất đối với xã hội loài người lại hủy hoại chính bạn – một công dân toàn cầu của thời đại văn minh.
Mai Quốc Dương
Lớp 12B2, THPT Nguyễn Huệ, Bình Định
14. Tranh luận
Những cô cậu học sinh 17 tuổi không dám tranh luận thẳng thắn với người lớn, không dám sống với suy nghĩ của chính mình. Những người trẻ tuổi có tư duy độc lập, khi vượt qua rào cản tuổi tác có chủ kiến cá nhân thường phải đối mặt với cái nhìn và đánh giá mang tính định kiến của cộng đồng xã hội. Từ đấy, chính bản thân người trẻ cũng dễ mang tâm lí kém tự tin, luôn có thái độ rụt rè, thụ động khi bộc lộ chủ kiến, thậm chí không bao giờ nói ra suy nghĩ của mình trước đám đông. Nhìn chung trong xã hội Á Đông nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng, con người có khuynh hướng sống khép mình, giấu cái tôi cá nhân đi chứ không chủ động bộc phát cái tôi mạnh mẽ như người phương Tây. Ngược lại khi có tư duy phản biện, chúng ta sẽ biết cách quản lí đời sống của mình phụ thuộc vào những gì chúng ta tin là thật và những khẳng định – chân lí chúng ta chấp nhận. Tư duy phản biện giúp giải quyết vấn đề hay thuyết phục người khác một cách thấu tình, đạt lí. Bộc lộ chủ kiến là một hành động tích cực, cần được khuyến khích và người trẻ cũng cần có ý thức về cách thức và thái độ khi thể hiện chủ kiến của mình: thẳng thắn, bộc trực, mạnh mẽ, biết bảo vệ ý kiến riêng nhưng không được kiêu căng, thất lễ với người khác. “Hãy biết hoài nghi tất cả” là câu trả lời của Các-Mác khi con gái hỏi về câu châm ngôn mà ông thích nhất. Hãy hoài nghi tính chính xác mà thông tin mình tiếp nhận, sự đấu tranh trong nhận thức sẽ giúp bạn tiến bộ hơn. Hãy hoài nghi chính bản thân mình và luôn đặt câu hỏi điều mình nói ra có gì sai không để từ đó hoàn thiện chính bản thân mình.
Trương Thu Hương
Lớp 12B5, THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội
15. Yêu thương
Lòng nhân ái là một đức tính cần thiết để cuộc sống và những mối quan hệ trong xã hội trở nên tốt hơn. Lòng nhân ái là tình yêu thương, sự đùm bọc chở che giữa con người với con người. Từng biểu hiện chúng ta dành cho nhau, từ cử chỉ quan tâm, lời nói, hành động hay lời nói ánh mắt cũng có thể đem lại yêu thương cho người khác. Tôi có thể cùng một lúc yêu thương chính mình, gia đình mình, yêu thương mọi người, yêu mục đích của tôi và yêu cả thế giới này. Nhân ái làm cho ta đồng cảm sẻ chia với những số phận bất hạnh, làm thay đổi những mảnh đời cơ cực, biến cái xấu xa thành lương thiện. Con người sẽ thấy tâm hồn mình trở nên phong phú tràn đầy nhiệt huyết sống khi được cho và nhận tình yêu thương. Khi lời nói của tôi mang đến hoa hồng thay vì gai nhọn, tôi tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Còn trong câu chuyện Người ăn xin của Tuốc-ghê-nhép, chàng thanh niên không có tiền nhưng trao đi cả tấm lòng. Người ăn xin nhận được biết bao đồng cảm, thấu hiểu. Trong xã hội hiện đại, câu chuyện MC Phan Anh kêu gọi giúp đỡ đồng bào miền Trung lũ lụt, ca sĩ Mĩ Tâm dừng lại để hát ủng hộ một ca sĩ tật nguyền trong đêm Giáng sinh là những tấm gương sáng về lòng nhân ái. Khi ta cảm thấy lòng mình rộng mở sẵn sàng ân cần cảm thông, sẽ thật dễ dàng để yêu thương. Hãy xóa bỏ sự ích kỉ, hẹp hòi, hòa giải những hận thù và gửi đi tình yêu thương. Hãy biến những trái tim chai sạn, trái tim nhỏ nhen thành những trái tim nhân hậu, trái tim quảng đại.
Lưu Thị Thanh Vân
Lớp 12C3, THPT Nông Văn Vân, Bắc Kạn
16. Tôn trọng
Tự tôn trọng chính mình là tự ý thức được suy nghĩ, hành động của bản thân mình có phù hợp với xã hội, với thước đo nhân cách hay không. Sự tôn trọng đầu tiên phải là tôn trọng chính bản thân – phải biết rằng tôi sinh ra vốn dĩ đã có giá trị. Một phần của lòng tôn trọng đối với bản thân là biết được những phẩm chất của mình. Tôn trọng là hiểu rằng tôi độc đáo và có giá trị. Khi được người khác tôn trọng nghĩa là người khác đang đánh giá cao hành động và nhân cách của bạn. Nếu bạn không tự biết được giá trị của bản thân mình, biết nhận sai, sửa sai thì bạn sẽ đánh mất cái nhìn tốt đẹp của người khác về bạn. Người có lòng tự trọng luôn biết cách nhận lỗi và tìm cách sửa chữa sai lầm. Bên cạnh việc cố gắng trong học tập, bạn cần biết cách hài hòa các mối quan hệ xung quanh bằng việc nói được, làm được và giúp đỡ người khác trong khả năng có thể bằng những hành động đơn giản như chào hỏi lễ phép, nói lời cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ, nói lời xin lỗi khi làm người khác phải suy nghĩ. Còn nhớ nhân vật bà Hiền trong Một người Hà Nội luôn dạy con cái biết đến lòng tự trọng, biết xấu hổ. Hay hồn Trương Ba muốn giữa cho tâm hồn thanh khiết không chấp nhận sửa sai bằng một cái sai khác đã quyết định từ bỏ khỏi thân xác. Như vậy lòng tự trọng là một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị bản thân của một người đồng thời nó là nền tảng điều chỉnh suy nghĩ, hành động giúp bạn giao tiếp một cách hiệu quả. Người có lòng tự trọng sẽ biết cách hoàn thiện bản thân mình để trở thành một người được nhiều người yêu mến. Biết giá trị của mình và trân trọng giá trị của người khác là cách để được tôn trọng.
Dẫn theo https://edu/exercise.com
17. Khoan dung
Có người đã nói rằng: “Hòa bình là mục đích, khoan dung là phương pháp”. Khoan dung không đơn giản chỉ là bỏ qua những lỗi lầm sai sót của người khác. Khoan dung còn là cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận vẻ đẹp của sự khác biệt. Khoan dung là tôn trọng lẫn nhau thông qua sự hiểu biết, thông cảm lẫn nhau. Người khoan dung sẽ ý thức được tính đặc thù và sự đa dạng của con người trong khi loại bỏ những dấu hiệu chia rẽ và tháo gỡ mọi căng thẳng do thiếu hiểu biết gây ra. Không ai sinh ra là đã hoàn hảo. Bởi vậy, trong cuộc sống, ta đôi khi bắt gặp những người mắc sai lầm với mình và mong muốn được sửa chữa những sai sót. Khoan dung còn là cách thể hiện sự cưu mang, giúp đỡ của bản thân với những người lầm đường lạc lối, giúp cho họ được trở về hòa nhập với cuộc sống hơn. Ta đã bắt gặp sự bao dung của Vũ Nương với Trương Sinh, người đã đẩy nàng vào cái chết oan nghiệt nhưng cuối cùng nàng vẫn tha thứ cho lỗi lầm của Trương Sinh, Nguyễn Trãi chấp nhận giảng hòa, khoan hồng cho giặc Minh tàn bạo để giữ gìn bình yên cho đất nước không khắc sâu hận thù giữa hai dân tộc. Tuy nhiên, lòng khoan dung không có nghĩa là bao che, dung túng cho những việc làm cố tình gây tổn hại đến những chuẩn mực đạo đức của con người. Khoan dung với chính mình là tự làm cho bản thân cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái hơn để có thể đưa ra quyết định, mục tiêu đúng đắn hơn. Vì thế cần đề cao những ứng xử độ lượng, biết nhường nhịn thậm chí là hi sinh cho người khác, cao hơn nữa là tha thứ cảm thông.
Hoàng Ngọc Ngân
Lớp 12B3, THPT Ngô Quyền, Hải Phòng
18. Trách nhiệm
Xã hội không chỉ có một người. Khi xuất hiện nhiều người, người ta bắt đầu phải hình thành trách nhiệm với nhau, với cái chung. Nếu mọi người ai cũng thích thể hiện cá nhân nhưng lại trốn tránh trách nhiệm cá nhân thì đó là nghịch lí không thể chấp nhận. Nếu chúng ta muốn có hòa bình, chúng ta có trách nhiệm sống bình yên. Nếu chúng ta muốn có thế giới tự nhiên trong lành, chúng ta có trách nhiệm chăm sóc thiên nhiên. Vì thế trách nhiệm là thực hiện phần đóng góp của mình với xã hội nói chung. Ngay từ những hành động nhỏ như: bảo vệ môi trường, lên tiếng trước những hành vi tiêu cực, yêu thương đồng loại cũng đã là những minh chứng cụ thể cho lối sống đầy trách nhiệm. Tự ý thức được việc mình làm, dám làm, dám chịu trách nhiệm về hành động của bản thân, có trách nhiệm với tất cả những lời nói của mình là sống có trách nhiệm. Người có trách nhiệm luôn biết cư xử sao cho công bằng, nhận thấy rằng mỗi người đều có phần công sức đóng góp của họ. Ngược lại những người vô trách nhiệm là những người ích kỉ, hẹp hòi chỉ biết đến mình. Trách nhiệm không chỉ là điều ràng buộc chúng ta, nó còn cho phép ta đạt được những gì mình mong ước. Trách nhiệm sẽ giúp chúng ta sử dụng những nguồn lực của mình để tạo ra những thay đổi tích cực. Vì thế hãy biết sống cống hiến trước những đòi hỏi của xã hội và đất nước.
19. Trải nghiệm
Trải nghiệm là những điều mới mẻ mà con người ta chưa từng làm, chưa từng biết đến. Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng sẽ có những chuyến đi đầy trải nghiệm về những vùng đất mới. Nó đem lại cho người ta cảm giác mới, sự tự tin dám nghĩ dám đi, đem lại những niềm vui khó tả. Tuy nhiên, có nhiều người chôn vùi tuổi thanh xuân của mình bằng những việc vô ích mang tên thói quen. Vì vậy, có câu nói rằng: “Hòn đá lăn là hòn đá không bao giờ mọc rêu”. Cuộc sống có rất nhiều điều ta chưa biết và sẽ không thể biết nếu ta không chủ động tìm hiểu và khám phá nó. Một cuốn sách bạn không đọc thì bạn sẽ không bao giờ biết ý nghĩa của nó, một người không bao giờ đi chợ liệu có biết chợ bán những gì không. Tuổi trẻ Nguyễn Ái Quốc phải vượt qua muôn trùng hải lí đến với các nước năm châu để tìm hiểu phong trào cộng sản tìm đường cứu nước. Tuổi trẻ Việt Nam biết đến câu chuyện truyền cảm hứng của Huyền chip với sách ba lô lên và đi; Trần Đặng Đăng Khoa bắt đầu hành trình đi vòng quanh thế giới bằng xe máy. Là người trẻ đừng có lối sống quẩn quanh, nhàm chán, tẻ nhạt, thu mình cũng như những kẻ sống hời hợt, không mục tiêu, lí tưởng. Hãy bắt đầu bằng những chuyến đi nhưng sau chuyến đi đó, bạn sẽ muốn đi nhiều nơi khác nữa, bạn cảm giác yêu đời và thấy cuộc sống quá ý nghĩa.
20. Niềm tin
Steven Jobs – cựu CEO của đại gia công nghệ Apple – đã nói một câu làm tôi luôn tâm đắc: “Đôi khi cuộc đời sẽ ném gạch vào đầu bạn. Nhưng đừng bao giờ đánh mất niềm tin”. Niềm tin có thể hiểu là một trạng thái tinh thần tồn tại trong ý thức của mỗi người, thường gắn với những cảm xúc tích cực, với ước mơ, khát vọng về tương lai. Trong cuộc sống niềm tin đóng vai trò quan trọng bởi vì không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra tốt đẹp ai rồi cũng có lúc vấp ngã hay thất bại. Rơi vào tình huống đó, nếu mất đi niềm tin, sẽ chẳng còn nguồn sức mạnh nào có thể nâng bạn dậy và bước tiếp con đường mình chọn. Trong những ngày bôn ba nơi đất khách quê người, ngay cả trong tình cảnh bị giam giữ, Bác Hồ vẫn không thiếu đi sự tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của cách mạng dân tộc. Vậy nhưng một thực trạng đáng buồn hiện nay là một bộ phận giới trẻ ngày nay quá dễ dàng gục ngã, hay than vãn trước những thử thách, trở nên tự ti, bi quan. Số khác lại quá tự phụ dẫn đến niềm tin sai lệch, hão huyền về bản thân. Thế hệ trẻ ngày nay cần có thêm nhiều trải nghiệm để khám phá thêm những khả năng tiềm ẩn của bản thân. Bởi vì chỉ khi biết được mình là ai, mình có thể làm gì chúng ta mới có thể xây dựng được một niềm tin vững chắc. Và cho dù cuộc sống có như thế nào, bạn và tôi cũng không bao giờ được mất niềm tin vào bản thân.
21. Lắng nghe
Lắng nghe không chỉ là hoạt động sinh lí của cơ quan thính giác mà còn là biểu hiện của trạng thái tâm lí – đồng cảm, sẻ chia. Trước nhu cầu được tâm sự, bộc bạch, trước những nỗi niềm cần được giãi bày, sự im lặng lắng nghe có khi còn quý giá hơn mọi lời động viên, an ủi. Chắc hẳn bạn cũng không muốn chính mình thờ ơ, lạnh nhạt với người khác như thế. Vậy hãy cố gắng lắng nghe để san sẻ, để chia đi nỗi buồn và nhân đôi niềm vui với những người xung quanh. Bởi lẽ chúng ta không thể chỉ sống cho riêng mình mà cần thiết phải sống vì người khác, sống cho người khác nữa. Quan trọng hơn, chúng ta phải thực sự qua

File đính kèm:

  • docx50_doan_van_nghi_luan_xa_hoi_theo_chu_de.docx