Đề thi vào 10 môn Ngữ văn (Đọc-hiểu ngoài chương trình)

ĐỀ SỐ 1

PHẦN ĐỌC – HIỂU: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Khi chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, cả thế giới xung quanh chỉ còn là những cái bóng Và khi chúng ta cảm thấy cô đơn, chúng ta muốn tìm lấy một ai đó để bấu víu, thì chỉ chạm vào những chiếc bóng mà thôi.

Nhưng nếu mỗi ngày, chúng ta chịu quan tâm và lắng nghe, thì chúng ta sẽ nhìn thấy được câu chuyện đời của mỗi người, ít nhất là những người thân thiết quanh ta, ta sẽ nhận ra mỗi người đều có một thân phận, những nỗi đau, những thất bại và sai lầm, những ước mộng không thành Nhờ đó, những người quanh ta trở nên có thực, là những con người hiện hữu chứ không chỉ là những cái bóng. Và ta sẽ thấy mình không hề đơn độc trên thế giới này. Cũng như sự yêu thương là có thật.

Khi mà nỗi cô đơn luôn rình rập chúng ta mỗi ngày, thì biết đâu trong một khoảnh khắc đầy may rủi của định mệnh, cái cảm giác không đơn độc ấy lại có thể cứu lấy cả một đời người!

(Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn , NXB Hội nhà văn, 2016, tr.184 – 185)

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2: Hai câu “Nhờ đó, những người quanh ta trở nên có thực, là những con người hiện hữu chứ không chỉ là những cái bóng. Và ta sẽ thấy mình không hề đơn độc trên thế giới này” được liên kết với nhau bằng phép liên kết nào?

 

docx 5 trang phuongnguyen 27460
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi vào 10 môn Ngữ văn (Đọc-hiểu ngoài chương trình)", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi vào 10 môn Ngữ văn (Đọc-hiểu ngoài chương trình)

Đề thi vào 10 môn Ngữ văn (Đọc-hiểu ngoài chương trình)
ĐỀ SỐ 1
PHẦN ĐỌC – HIỂU: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
Khi chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, cả thế giới xung quanh chỉ còn là những cái bóng Và khi chúng ta cảm thấy cô đơn, chúng ta muốn tìm lấy một ai đó để bấu víu, thì chỉ chạm vào những chiếc bóng mà thôi.
Nhưng nếu mỗi ngày, chúng ta chịu quan tâm và lắng nghe, thì chúng ta sẽ nhìn thấy được câu chuyện đời của mỗi người, ít nhất là những người thân thiết quanh ta, ta sẽ nhận ra mỗi người đều có một thân phận, những nỗi đau, những thất bại và sai lầm, những ước mộng không thành Nhờ đó, những người quanh ta trở nên có thực, là những con người hiện hữu chứ không chỉ là những cái bóng. Và ta sẽ thấy mình không hề đơn độc trên thế giới này. Cũng như sự yêu thương là có thật.
Khi mà nỗi cô đơn luôn rình rập chúng ta mỗi ngày, thì biết đâu trong một khoảnh khắc đầy may rủi của định mệnh, cái cảm giác không đơn độc ấy lại có thể cứu lấy cả một đời người!
(Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội nhà văn, 2016, tr.184 – 185)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.
Câu 2: Hai câu “Nhờ đó, những người quanh ta trở nên có thực, là những con người hiện hữu chứ không chỉ là những cái bóng. Và ta sẽ thấy mình không hề đơn độc trên thế giới này” được liên kết với nhau bằng phép liên kết nào?
Câu 3: Theo tác giả, vì sao “khi chúng ta cảm thấy cô đơn, chúng ta muốn tìm một ai đó để bấu víu, thì chỉ chạm vào những chiếc bóng mà thôi”?
Câu 4: Em có đồng tình với quan điểm: “Khi mà nỗi cô đơn luôn rình rập chúng ta mỗi ngày, thì biết đâu trong một khoảnh khắc đầy may rủi của định mệnh, cái cảm giác không đơn độc ấy lại có thể cứu lấy cả một đời người”? Vì sao?
Câu 5: Từ nội dung đoạn trích trên, hãy viết bài văn ngắn (khoảng một trang giấy thi) về chủ đề điều kì diệu của sự sẻ chia.
PHẦN TẬP LÀM VĂN
Trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ sau:
Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu
(Trích Sang thu, Hữu Thỉnh, dẫn theo Ngữ văn 9, tập hai, NXB Giáo dục, 2005, tr 70)
ĐÁP ÁN CHI TIẾT
PHẦN ĐỌC – HIỂU
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận.
Câu 2: Phép liên kết: phép nối – “và”.
Câu 3: Theo tác giả, “khi chúng ta cảm thấy cô đơn, chúng ta muốn tìm một ai đó để bấu víu, thì chỉ chạm vào những chiếc bóng mà thôi” vì “khi chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, cả thế giới xung quanh chỉ còn là những cái bóng”.
Câu 4: Có đồng tình.
Vì:
+ Chúng ta cảm thấy mình được yêu thương, mình có sự gắn kết với thế giới này.
+ Khi chia sẻ, mình có thể cảm nhận được cuộc sống có những người khó khăn và vất vả hơn mình nhiều, mình có thể vẫn là một con người rất may mắn. Mình cần cố gắng và nỗ lực cho cuộc sống nhiều hơn nữa.
Câu 5: 
*Yêu cầu về kĩ năng:
- Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để viết một bài văn nghị luận xã hội.
- Bài văn phải có bố cục, kết cấu rõ ràng; lập luận thuyết phục; diễn đạt mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách khác nhau; có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ riêng nhưng phải có lí lẽ và căn cứ xác đáng; có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
*Yêu cầu về nội dung:
1. Nêu vấn đề: điều kì diệu của sự sẻ chia.
2. Giải thích vấn đề:
Sự sẻ chia là một dạng tình cảm được trao đi xuất phát từ trái tim, đồng cảm, thương yêu, san sẻ với những người xung quanh. Sẻ chia chính là cho đi mà không mong muốn được nhận lại.
- Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi.” Sẻ chia sẽ đem đến cho cuộc sống những điều kì lạ mà ta không tưởng.
2. Bàn luận, mở rộng vấn đề:
- Tác dụng của sự sẻ chia:
+ Khi chúng ta biết sẻ chia, chúng ta sẽ nhận được sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, yêu thương từ những người xung quanh.
+ Khi mọi người biết sẻ chia các mối quan hệ sẽ trở nên tốt đẹp hơn.
+ Sự sẻ chia giúp con người vượt qua những thử thách, khó khăn trong cuộc sống.
+ Sẻ chia với mọi người sẽ đem lại niềm vui, sự hạnh phúc cho chính bản thân.
- Sự sẻ chia diễn ra trên nhiều phương diện, cả vật chất lẫn tinh thần, cả những người thân thiết đến những mối quan hệ ngoài xã hội.
- Chứng minh: học sinh lấy dẫn chứng, có phân tích.
- Phê phán những con người sống ích kỉ, chỉ nghĩ đến bản thân mình.
- Liên hệ bản thân: Em đã biết chia sẻ với mọi người chưa? Sự chia sẻ giúp em điều gì trong cuộc sống.
PHẦN TẬP LÀM VĂN
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Viết đúng kiểu bài nghị luận văn học.
- Lý lẽ rõ ràng, dẫn chứng xác thực.
- Văn viết giàu cảm xúc, diễn đạt trôi chảy.
- Bố cục ba phần rõ ràng, cân đối.
- Trình bày sạch đẹp; ít sai lỗi câu, từ, chính tả.
* Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:
1. Giới thiệu chung
Tác giả:
- Là nhà thơ chiến sĩ, trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Ông từng cầm súng chiến đấu trong chiến trường miền Nam.
- Sáng tác của ông cuốn hút người đọc nhờ cảm xúc tinh tế, ngòi bút giàu chất lãng mạn và lối viết giản dị, giàu sức gợi.
Tác phẩm:
- Mùa thu – một đề tài quen thuộc của thơ ca phương Đông nói chung và thơ ca Việt Nam nói riêng.
- Tác phẩm được sáng tác vào năm 1977, được in lại nhiều lần trong các tập thơ mà gần đây nhất là tập “Từ chiến hào đến thành phố” – 1991.
2. Phân tích
a. Khoảnh khắc giao mùa
* Tín hiệu mùa thu
- Tín hiệu đầu tiên mà tác giả cảm nhận qua khứu giác là hương ổi. Với nhiều nhà thơ khác, mùa thu là mùa của hương cốm dìu dịu, hoa sữa nồng nàn. Còn đối với Hữu Thỉnh đó là hương ổi mộc mạc, bình dị. Hương ổi chủ động “phả vào trong gió se”.
+ Với từ “phả” tác giả đã đặc tả hương thơm đậm như sánh lại, quện lại, lùa vào trong gió, làm cho nó trở nên thơm tho lạ thường. Dường như hương ổi đã truyền cho ta hơi ấm của tình cảm, hơi thở của cuộc sống.
+ Vì thế gợi hình dung cụ thể về mùi ổi chín thơm nồng, ngọt mát, có sức lan tỏa.
- Mùa thu về còn hiện qua cả xúc giác “gió se”. Gió và hương ổi làm thức dậy cả không gian thôn vườn, ngõ xóm.
- Hình ảnh “sương qua ngõ”. Nghệ thuật nhân hóa cùng từ láy “chùng chình” đã làm cho làn sương trở nên sinh động có hồn.
* Cảm xúc của nhà thơ
- Trong giờ phút giao mùa ấy lòng nhà thơ thật đắm say:
+ Đó là cảm giác bất ngờ khi bắt gặp tín hiệu thu về: “Bỗng nhận ra hương ổi”. Từ “bỗng” diễn tả cảm xúc ngạc nhiên, ngỡ ngàng, một niềm vui chợt đến, một thoáng xúc động, một cái giật mình khẽ đánh thức con người khỏi những bề bộn của cuộc sống để hòa mình với thiên nhiên và cảm nhận những vẻ đẹp giản dị nhất của nó.
+ Rồi đến cảm giác mơ hồ, mong manh, bối rối, tự hỏi lòng mình “hình như thu đã về”.
+ Từ “về” còn gợi ra cảm giác thân thiết, quen thuộc, ấm áp như nhà thơ gặp lại một người bạn cũ.
=> Phải gắn bó lắm với cuộc đời, phải có giác quan vô cùng nhạy cảm thì nhà thơ mới có những cảm nhận tinh tế đến vậy về phút giao mùa.
b. Bức tranh mùa thu và sự chuyển biến rõ nét hơn của đất trời khi sang thu
* Hai câu đầu: Từ không gian nhỏ bé, ngòi bút của Hữu Thỉnh đã vẽ bức tranh không gian rộng lớn với đường nét cụ thể.
- Hình ảnh dòng sông và cánh chim được vẽ với những nét tương phản:
+ Dòng sông trôi một cách hiền hòa, nhàn hạ. Nghệ thuật nhân hóa cùng từ láy gợi hình “dềnh dàng” đã đặc tả hình ảnh dòng sông trôi chậm chạp, thong thả.
+ Đối lập lại là hình ảnh những cánh chim vội vã ở buổi hoàng hôn.
* Hai câu sau: tạo điểm nhấn cho bức tranh
- Đây là một liên tưởng độc đáo, mới lạ, sáng tạo của nhà thơ. Hình ảnh đám mây xuất hiện cùng từ “vắt” đã gợi ra khung cảnh: một làn mây mỏng nhẹ, mềm mại, uyển chuyển như một dải lụa, một tấm khăn voan vắt ngang trên bầu trời. Đồng thời còn gợi ra sự tinh nghịch, hồn nhiên.
- Vẫn là đám mây ấy nhưng lại vắt nửa mình sang thu. Nghệ thuật nhân hóa đã làm đám mây mang tâm trạng con người: nửa lưu luyến, bịn rịn mùa hạ, nửa háo hức nghiêng hẳn sang thu.
=> Chính bởi hình ảnh mùa hạ nối với mùa thu bằng đám mây chùng chình đã làm cho người đọc cảm nhận về không gian chuyển mùa thật đẹp, sinh động và bước đi thời gian thật khẽ, thật êm.
c. Nghệ thuật
- Thể thơ 5 chữ. Nhịp thơ chậm, âm điệu nhẹ nhàng.
- Nhiều từ có giá trị gợi tả, gợi cảm sâu sắc.
- Sự cảm nhận tinh tế, thú vị, gợi những liên tưởng bất ngờ.
- Hình ảnh chọn lọc mang nét đặc trưng của sự giao mùa
hạ - thu
3. Đánh giá chung:  Đất trời sang thu gợi biết bao cảm xúc, gợi bao suy ngẫm về đời người sang thu.

File đính kèm:

  • docxde_thi_vao_10_mon_ngu_van_doc_hieu_ngoai_chuong_trinh.docx