Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2021-2022

I. ĐỌC HIỂU (2,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

(1) Tôi thích lên danh sách. Đây là lời đề nghị: hãy lên danh sách năm mươi điều bạn trân trọng, biết ơn (vâng, năm mươi). Mười điều đầu tiên rất dễ: người thân, công việc, gia đình,v.v. Biết ơn vì bạn nói tiếng Việt (hoặc tiếng Nhật, tiếng Đức). Biết ơn vì có đủ hai mắt, có trái tim khỏe, hoặc vì bạn không sống trong vùng chiến tranh. Biết ơn người khác. Cầu chúc cho người nông dân nỗ lực làm nên thức ăn trên bàn. Cầu chúc cho người công nhân tạo ra chiếc xe máy bạn đi. Cầu chúc cho người bán hàng nơi bạn mua quần áo. Cầu chúc cho người phục vụ quán ăn bạn đến hôm qua.

(2) Đó là thái độ biết ơn. Hãy lưu tâm đến những phúc lành của mình, đừng xem bất cứ điều gì là hiển nhiên. Tôi chắc chắn bạn sẽ có nhiều thứ biết ơn hơn những gì bạn thấy. Chỉ cần nghĩ đến. Chỉ cần trân trọng. Và để ý xem điều gì sẽ xảy đến.

(Trích Đời ngắn đừng ngủ dài, Robin Sharma, NXB Trẻ, 2019, tr.33-34)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. (0,5 điểm) Theo đoạn văn (1), tác giả đề nghị điều gì?

Câu 2. (0,5 điểm) Chỉ ra thành phần biệt lập trong câu: Tôi chắc chắn bạn sẽ có nhiều thứ biết ơn hơn những gì bạn thấy.

 

docx 4 trang phuongnguyen 87420
Bạn đang xem tài liệu "Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2021-2022", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên

Tóm tắt nội dung tài liệu: Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2021-2022

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT môn Ngữ văn - Năm học 2021-2022
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TỈNH QUẢNG NINH
KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT
NĂM HỌC 2021-2022
Môn thi: Ngữ văn (Dành cho mọi thí sinh)
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
(Đề thi này có 01 trang)
I. ĐỌC HIỂU (2,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
(1) Tôi thích lên danh sách. Đây là lời đề nghị: hãy lên danh sách năm mươi điều bạn trân trọng, biết ơn (vâng, năm mươi). Mười điều đầu tiên rất dễ: người thân, công việc, gia đình,v.v.. Biết ơn vì bạn nói tiếng Việt (hoặc tiếng Nhật, tiếng Đức). Biết ơn vì có đủ hai mắt, có trái tim khỏe, hoặc vì bạn không sống trong vùng chiến tranh. Biết ơn người khác. Cầu chúc cho người nông dân nỗ lực làm nên thức ăn trên bàn. Cầu chúc cho người công nhân tạo ra chiếc xe máy bạn đi. Cầu chúc cho người bán hàng nơi bạn mua quần áo. Cầu chúc cho người phục vụ quán ăn bạn đến hôm qua.
(2) Đó là thái độ biết ơn. Hãy lưu tâm đến những phúc lành của mình, đừng xem bất cứ điều gì là hiển nhiên. Tôi chắc chắn bạn sẽ có nhiều thứ biết ơn hơn những gì bạn thấy. Chỉ cần nghĩ đến. Chỉ cần trân trọng. Và để ý xem điều gì sẽ xảy đến. 
(Trích Đời ngắn đừng ngủ dài, Robin Sharma, NXB Trẻ, 2019, tr.33-34)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. (0,5 điểm) Theo đoạn văn (1), tác giả đề nghị điều gì?
Câu 2. (0,5 điểm) Chỉ ra thành phần biệt lập trong câu: Tôi chắc chắn bạn sẽ có nhiều thứ biết ơn hơn những gì bạn thấy.
Câu 3. (0,5 điểm) Nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ trong các câu in đậm.
Câu 4. (0,5 điểm) Trong lời đề nghị của tác giả về những điều cần trân trọng, biết ơn, em tâm đắc nhất điều gì? Vì sao?
II. LÀM VĂN (8,0 điểm)
Câu 1. (3,0 điểm) 
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống. Đoạn văn có câu sử dụng thành phần khởi ngữ (gạch chân thành phần khởi ngữ).
Câu 2. (5,0 điểm) 
Cảm nhận của em về đoạn trích sau:
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen 
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn 
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng... 
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa 
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ 
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm 
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm 
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi 
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui 
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ 
Ôi kì lạ và thiêng liêng - bếp lửa! 
(Trích Bếp lửa, Bằng Việt, Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2020, tr.144)
Hết
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ và tên thí sinh: .; Số báo danh: 
Chữ kí của cán bộ coi thi 1: ; Chữ kí của cán bộ coi thi 2: 
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 
TỈNH QUẢNG NINH
ĐỀ THI CHÍNH THỨC
HƯỚNG DẪN CHẤM THI TUYỂN SINH 
VÀO LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2021-2022
Môn thi: Ngữ văn (Dành cho mọi thí sinh)
(Hướng dẫn này có 03 trang)
Câu
Nội dung
Điểm
I. ĐỌC HIỂU (2,0 điểm)
1
Theo đoạn văn (1), tác giả đề nghị: hãy lên danh sách năm mươi điều bạn trân trọng, biết ơn.
0,5
2
 Thành phần biệt lập trong câu là thành phần tình thái: chắc chắn.
Hướng dẫn chấm: Đáp ứng đúng mỗi ý: 0,25 điểm
0,5
3
Tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ: 
- Nhấn mạnh sự mong muốn những điều tốt đẹp cho người mà chúng ta cần biết ơn (cầu chúc cho);
- Tạo âm hưởng nhịp nhàng, cân đối;
- Thể hiện thái độ chân thành, tha thiết của tác giả.
Hướng dẫn chấm:
Thí sinh diễn đạt bằng các từ ngữ khác có nghĩa tương tự vẫn cho điểm tối đa. 
Đáp ứng được 02 ý trở lên: 0,5 điểm. Đáp ứng được 01 ý: 0,25 điểm.
0,5
4
- Thí sinh lựa chọn một điều cần trân trọng biết ơn mà bản thân tâm đắc nhất trong đoạn trích.
- Lí giải sự lựa chọn: hợp lí, thuyết phục.
Hướng dẫn chấm:
Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Đáp ứng được mỗi ý: 0,25 điểm.
0,5
II. LÀM VĂN (8,0 điểm)
1
Viết một đoạn văn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống. Đoạn văn có câu sử dụng thành phần khởi ngữ (gạch chân thành phần khởi ngữ).
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn 
- Thí sinh biết cách viết đúng hình thức của một đoạn văn, có thể trình bày đoạn văn theo cách thức diễn dịch, qui nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
0,25
- Sử dụng thành phần khởi ngữ (gạch chân).
0,5
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Ý nghĩa của lòng biết ơn trong cuộc sống.
0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của lòng biết ơn. 
Có thể theo hướng:
- Lòng biết ơn là bày tỏ tình cảm, thái độ trân trọng và những việc làm đền ơn, đáp nghĩa đối với những người đã giúp đỡ mình, những người có công với dân tộc, đất nước. 
- Lòng biết ơn giúp con người sống tình nghĩa, hình thành nhân cách; gắn kết mối quan hệ giữa người với người; từ đó tạo nên những điều tốt đẹp, có giá trị cho cộng đồng.
1,25
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu	
Đảm bảo đúng chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt. 
Hướng dẫn chấm: Nếu bài làm có 05 lỗi trở lên: 0 điểm.
0,25
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 
Hướng dẫn chấm:
- Thí sinh huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân để bàn luận về tư tưởng đạo lý; có cách nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề nghị luận; có sáng tạo trong viết câu, dựng đoạn, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh.
- Đáp ứng được 02 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm. Đáp ứng được 01 yêu cầu: 0,25 điểm.
0,5
2
Cảm nhận của em về đoạn thơ trong bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt)
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen [] Ôi kì lạ và thiêng liêng – bếp lửa! 
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài giới thiệu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.
0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Cảm nhận đoạn thơ trong bài Bếp lửa.
0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cần đảm bảo các yêu cầu sau:
c1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Bằng Việt; tác phẩm Bếp lửa; Giới thiệu vấn đề nghị luận.
0,25
c2. Thân bài
* Khái quát chung 
- Hoàn cảnh sáng tác: năm 1963, khi tác giả là sinh viên đang du học ngành Luật ở Liên Xô cũ. 
- Bài thơ được mở ra với hình ảnh bếp lửa, từ đó gợi về những kỉ niệm tuổi thơ sống bên bà, làm hiện lên hình ảnh bà với sự chăm sóc, lo toan, vất vả và tình yêu thương trìu mến dành cho cháu.
- Đoạn trích là những suy ngẫm, thấu hiểu của người cháu về cuộc đời, về lẽ sống giản dị mà cao quý của bà. 
Hướng dẫn chấm:
Đáp ứng được 02 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm. Đáp ứng được 01 yêu cầu: 0,25 điểm.
0,5
* Cảm nhận đoạn thơ
- Ba dòng thơ đầu 
+ Rồi sớm, rồi chiều: gợi dòng chảy thời gian tuần tự, nối tiếp, bà luôn hiện diện là người nhóm lửa.
+ Hệ thống động từ (nhen, ủ, chứa); điệp ngữ (một ngọn lửa); ẩn dụ (ngọn lửa) cho thấy bếp lửa được bà nhen lên không chỉ bằng nhiên liệu ở bên ngoài mà còn được nhen nhóm lên từ ngọn lửa trong lòng bà – ngọn lửa của sức sống, lòng yêu thương, niềm tin.
à Hình ảnh người bà không chỉ là người nhóm lửa, giữ lửa mà còn là người truyền lửa – ngọn lửa của sự sống, niềm tin cho các thế hệ nối tiếp.
0,5
- Ba dòng thơ tiếp
+ Từ láy lận đận kết hợp đảo ngữ, hình ảnh ẩn dụ nắng mưa khái quát cuộc đời vất vả, chật vật, khó khăn, gian khổ của bà.
+ Mấy chục năm rồi: là khoảng thời gian miên man, dằng dặc. Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm: là nếp sinh hoạt thể hiện sự đảm đang, tần tảo, chăm lo cho gia đình. Việc dậy sớm gắn liền với hoạt động “nhóm bếp lửa”.
à Ba dòng thơ là hình ảnh người bà vất vả, chịu thương, chịu khó, giàu tình yêu thương cùng nỗi niềm xót xa, ngậm ngùi, thấm thía của cháu khi nghĩ về bà.
 0,5
- Bốn dòng thơ tiếp
+ Điệp ngữ nhóm: lặp lại 4 lần gồm nghĩa thực (nhóm bếp là một thói quen của bà) và nghĩa biểu tượng. 
++ Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm: từ ngữ biểu cảm, lặp lại hình ảnh ở đoạn đầu bài thơ, tạo ấn tượng về công việc nhóm bếp tỉ mỉ, kiên nhẫn, nâng niu, ấp ủ; thể hiện tình yêu thương, sự lo toan, chăm sóc của bà dành cho cháu.
++ Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi; nồi xôi gạo mới sẻ chung vui:
hình ảnh gần gũi, quen thuộc gợi lên cuộc sống lam lũ, đói khổ nhưng chan chứa tình làng nghĩa xóm, sự sẻ chia, giúp đỡ nhau trong gian khó. 
++ Nhóm niềm yêu thương; Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ: biện pháp ẩn dụ, nhóm lên bếp lửa cũng là nhóm lên niềm yêu thương; bếp lửa gắn với tuổi thơ hồn nhiên, vô tư; đánh thức những kí ức không thể phai mờ trong tâm trí.
1,0
- Dòng thơ cuối:
+ Câu cảm thán, từ Ôi: cảm xúc trào dâng mãnh liệt trong tâm hồn nhà thơ.
+ Bếp lửa kì lạ: vì chỉ được nhóm lên bằng củi rơm thông thường nhưng lại có sức sống phi thường tồn tại qua đói nghèo, chiến tranh. Bếp lửa thiêng liêng: vì nuôi dưỡng tâm hồn với niềm yêu thương, chia sẻ, niềm tin và nghị lực vươn lên.
à Bếp lửa bình dị, thân thuộc, kì diệu, thiêng liêng.
0,5
* Đánh giá 
- Sáng tạo hình tượng bếp lửa vừa thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng; giọng thơ trầm lắng, suy tư.
- Đoạn trích gợi lại ấn tượng, suy ngẫm của cháu về cuộc đời bà và hình ảnh bếp lửa. Từ đó, thể hiện lòng kính yêu, trân trọng, biết ơn của người cháu đối với bà và cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước.
Hướng dẫn chấm: Đáp ứng được 01 yêu cầu trở lên: 0,25 điểm.
0,25
c3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề nghị luận; nêu cảm xúc, suy nghĩ của bản thân.
Hướng dẫn chấm: Đáp ứng được 01 yêu cầu trở lên: 0,25 điểm.
0,25
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt. 
Hướng dẫn chấm: Sai 05 lỗi trở lên: 0 điểm.
0,25
e. Sáng tạo
Thí sinh có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
Hướng dẫn chấm:
- Thí sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; lời văn có giọng điệu, hình ảnh, cảm xúc.
- Đáp ứng được 02 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm. Đáp ứng được 01 yêu cầu: 0,25 điểm.
0,5
Tổng điểm
10,0
Lưu ý:
1. Cán bộ chấm thi cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh. Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn, cán bộ chấm thi cần linh hoạt trong quá trình chấm, tránh đếm ý cho điểm, khuyến khích những bài viết sáng tạo, có cảm xúc.
2. Bài thi được chấm theo thang điểm 10; làm tròn đến hai chữ số thập phân.
............................ Hết ...........................

File đính kèm:

  • docxde_thi_tuyen_sinh_vao_lop_10_thpt_mon_ngu_van_nam_hoc_2021_2.docx